RCEP - “chìa khóa” mở cửa hội nhập thay TPP?
10/03/2017 27Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trump rằng Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP), không ít ý kiến quan ngại rằng các nước tham gia hiệp định này sẽ mất đi cơ hội tiếp cận sâu hơn với các thị trường Bắc Mỹ, trong đó có VN. Tuy nhiên, mới đây, các chuyên gia kinh tế nhận định RCEP sẽ thay thế TPP, và giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng lên, đồng thời đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt trong xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và ASEAN+6 (Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand...).
Việt Nam có lợi gì khi tham gia RCEP?
Hiệp định thương mại tự do RCEP (ASEAN +6) được kỳ vọng giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu dệt may Việt Nam. Các nước trong RCEP chiếm hơn 69% giá trị nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam. Nếu thuế suất nhập khẩu được giảm dần về 0% sẽ tiết giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may VN. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Nhật Bản cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt do nước này cũng tham gia hiệp định.
Ông Claudio Dordi, Trưởng Nhóm tư vấn Dự án EU- MUTRAP và các chuyên gia cho rằng, tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua: Thứ nhất, mở rộng thị trường thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác. Thứ hai, tham gia vào RCEP, các nước sẽ có cơ hội nhập hàng hóa rẻ hơn (nhất là đầu vào cho sản xuất (như thép của Trung Quốc, sản phẩm nhựa của Hàn Quốc và Nhật Bản) và nhập máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại phù hợp). Thứ ba, các quốc gia tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị và sản xuất khu vực và tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế trong giải quyết tranh chấp. Thứ tư, cắt giảm chi phí giao dịch và được hưởng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Dự báo lợi ích từ RCEP được dựa trên một số cơ sở nhất định. Thứ nhất, RCEP bao gồm nhiều đối tác kinh tế quan trọng của VN như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và ASEAN. Đây cũng là những thị trường xuất khẩu chính của VN, và tiếp cận với các thị trường này sẽ được tăng cường khi các nước cam kết cắt giảm thuế đáng kể và tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư. Thứ hai, dòng FDI vào VN dự kiến sẽ tăng lên đáng kể để tận dụng cơ hội mới và các ưu đã do RCEP đem lại.
Đặc biệt, các dự án FDI từ các đối tác phát triển sẽ đem lại các tác động lan truyền tích cực, bao gồm cả chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh và quản lý vốn là những yếu tố rất cần thiết với Việt Nam. Cuối cùng, hoàn thiện thực thi các cam kết trong RCEP sẽ giúp xây dựng nên môi trường đầu tư cạnh tranh và minh bạch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Nguy cơ nhập siêu khi tham gia vào RCEP
Theo các chuyên gia Nhóm tư vấn Dự án EU- MUTRAP, Việt Nam đã có một FTA song phương với Nhật Bản, trong khi đó một FTA với Hàn Quốc đã được ký vào cuối năm 2016. Sự tiếp cận ưu đãi này sẽ bị xói mòn nếu Trung Quốc cũng đạt được ưu đãi như vậy, điều này có thể xảy ra nếu RCEP được hiện thực hóa toàn diện. Trung Quốc sẽ cạnh tranh với VN và các nước ASEAN về cung cấp hàng dệt, thực phẩm và thức ăn gia súc sang Hàn Quốc, gạo và hàng may mặc sang Nhật Bản. Việt Nam có thể bị thua thiệt từ một hiệp định như vậy.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2017, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào những tác động tích cực của RCEP tới xuất khẩu của VN như đã kỳ vọng với Hiệp định TPP. Mặc dù vậy, nếu khai thác tốt FTA đã ký kết với các đối tác như ASEAN, Hàn Quốc, EU... thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn tới. BVSC dự báo mức tăng trưởng của xuất khẩu trong năm 2017 sẽ ở mức 8-9%.
Chuyên gia BVSC chỉ ra rằng RCEP cũng khó có thể thay thế được TPP về kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu cho VN do tình trạng trùng lặp về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước thành viên.
Trong khi đó, RCEP mang đến cho VN thêm cơ hội tiếp cận các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc (tổng kim ngạch xuất khẩu sang 3 thị trường này trong năm 2016 là 36 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 20,4%). Đối với các đối tác trong RCEP, VN phần nhiều ở vị thế nhập siêu, đặc biệt đối với Trung Quốc (khác với việc VN luôn có thặng dư với Mỹ trong TPP). Vì vậy, có nhiều nguy cơ VN sẽ gia tăng nhập siêu nếu RCEP được thực hiện.
Nguồn: Báo Lao động
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Ông Trump sẽ gửi đợt thư thông báo thuế đầu tiên cho các nước vào tối nay
- Mỹ hé lộ sẽ 'ưu ái' các nước đàm phán thuế quan nghiêm túc
- Thuế quan Mỹ: Cửa đàm phán khép dần từ 9/7, ‘mưa thuế’ bắt đầu 1/8
- Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ suy giảm mạnh trong tháng 6/2025