Các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhóm họp cuối tuần trước tại thủ đô Valletta của Malta để thảo luận về tương lai của khối này trước những thách thức lớn. Trước đó ít lâu EU bất ngờ hứng thêm một... thách thức mới.

EU không phải là không quen với các cuộc khủng hoảng: từ khủng bố, nợ công và gần đây là khủng hoảng di cư. Nhưng, không ai trong số 28 nhà lãnh đạo EU có mặt tại Malta có thể ngờ rằng, cuộc khủng hoảng mới nhất đang đe dọa sự sống còn của EU lại đến từ... nước Mỹ.

Tờ The New York Times nhận định: Giống như nhiều nước trên thế giới, EU đang phải vật lộn để “giải mã” Tổng thống Mỹ Donald Trump, người dường như mỗi ngày lại chọn một “cuộc chiến” mới với một quốc gia mới, dù là đồng minh hay không.

Ông D.Trump đã có những phát biểu làm bẽ mặt Mexico, Anh, Đức, Iraq; tham gia vào cuộc khẩu chiến với Trung Quốc và Iran; và đã biến cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc, một đồng minh của Mỹ, thành cuộc khủng hoảng ngoại giao. Ông cũng công khai dự đoán về sự tan rã của EU, hoan nghênh Anh rời khỏi khối này, và cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời”.

“Không ai thực sự biết Tổng thống Mỹ đang muốn gì” - Tổng thống Pháp François Hollande nói tại hội nghị thượng định Malta, sau khi có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ một tuần trước đó.

Các nhà lãnh đạo EU lo ngại rằng, một khu vực vốn đã chịu tác động của nhiều cuộc khủng hoảng sẽ khó có thể đứng vững trước những đợt “tấn công xuyên lục địa” từ Nhà Trắng. Trước khi triệu tập khẩn cấp hội nghị thượng đỉnh Malta, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết thư gửi 27/28 lãnh đạo của EU (trừ Anh), trong đó liệt kê Mỹ cùng với chủ nghĩa khủng bố, là mối đe dọa của EU. Thư của ông Tusk có đoạn: “Đặc biệt là sự thay đổi ở Washington đặt EU trong một tình huống khó khăn. Chính quyền mới của Mỹ đang thách thức chính sách đối ngoại của họ trong suốt 70 năm qua”.

Mark Leonard, Giám đốc đối ngoại của Hội đồng châu Âu, nhận định: “Kể từ khi EU thành lập, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên không ủng hộ việc EU hội nhập sâu hơn. Không những thế, ông chống lại quá trình này và coi sự phá hủy của EU là lợi ích của Mỹ”.

Như đổ thêm dầu vào lửa, mới đây doanh nhân Ted Malloch, người được cho là ứng cử viên cho chức Đại sứ Mỹ tại EU, đã công khai chỉ trích tổ chức mà ông có thể sẽ tới làm việc. Ông Malloch cho rằng, Tổng thống D. Trump “không thích một tổ chức siêu quốc gia, không được bầu, nơi các quan chức chạy điên cuồng, và không phải là một nền dân chủ thích hợp”.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Malloch nói: “Tôi từng có một vị trí ở ngành ngoại giao mà tại đó tôi đã góp phần giúp làm tan rã Liên bang Xô viết. Vì vậy, có lẽ có một liên minh khác cũng cần chút thuần dưỡng”.

Nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo EU về thách thức đến từ Mỹ càng tăng cao, khi năm nay Hà Lan, Pháp, Đức và có thể Ý sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử, trong bối cảnh các ứng cử viên dân túy đang ngày càng giành thêm ưu thế. Chiến thắng của ông Trump có vẻ như đang giúp tiếp thêm sinh lực cho các đảng phái cánh hữu ở châu Âu.

Trước tình thế đó, Tổng thống Pháp Hollande cho rằng châu Âu cần phải thể hiện sự thống nhất trước Washington. Ông cũng cảnh báo các quốc gia châu Âu không nên bị cám dỗ để cuốn vào quan hệ song phương với Nhà Trắng. Ông Hollande có lẽ đang ám chỉ nước Anh, khi Thủ tướng Theresa May vừa thăm Mỹ tuần trước và tại hội nghị này, bà May có đề xuất được làm “cầu nối” giữa châu Âu với Tổng thống D. Trump. Đề nghị này đã bị các nước bác bỏ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng quan điểm với Tổng thống Pháp, cho rằng các nước chỉ cần đơn giản là đứng trên đôi chân của mình, trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump.

“Châu Âu sẽ tự quyết định số phận của chính mình”, bà nói. 

Nguồn: thesaigontimes