Sự lên giá của yên Nhật Bản (JPY) đối với VND có tác động đến mối quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Lâu nay, các nhà quản lý vĩ mô và doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường đặc biệt quan tâm đến tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, bên cạnh đồng USD, Việt Nam cần quan tâm tới đồng yên Nhật (JPY).

Trước hết, JPY đã lên giá khá mạnh và khá lâu so với đồng USD. Hẳn mọi người không quên, 1 USD đã có thời “ăn” tới 280 - 300 JPY; cách đây mấy năm, còn “ăn” 170 - 180 JPY, nhưng nay, chỉ còn tương đương 88,7 JPY. Trong khi đó, USD - Index sau khi tăng từ 75 điểm lên 88 điểm, nay đã xuống còn dưới 84 điểm.

Sự lên giá của JPY thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Nhật Bản có quy mô GDP và tổng dự trữ quốc tế lớn thứ hai thế giới (nếu tính bình quân đầu người, thì thuộc nhóm đứng đầu các nước và vùng lãnh thổ). Tuy nghèo về tài nguyên, nhưng Nhật luôn ở vị thế xuất siêu, với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ tư thế giới. Không những thế, tốc độ tăng giá tiêu dùng của Nhật 10 năm qua liên tục âm. Nhật Bản cũng là nước có lãi suất ngân hàng gần như tiệm cận 0% trong nhiều năm qua. Nhật Bản đứng thứ 10 thế giới về chỉ số phát triển con người và Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh mua trái phiếu Nhật Bản khi Euro và USD giảm giá.

So với VND, JPY cũng lên giá khá mạnh. Những năm trước, 1 JPY chỉ tương đương 180 - 200 VND, nhưng nay đã lên xấp xỉ 211 VND. Sự lên giá của JPY đối với VND sẽ có tác động không nhỏ đối với mối quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch của Nhật Bản và Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến tháng 6/2010 đạt trên 18,9 tỷ USD (vốn đăng ký), đứng thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ, nằm trong “câu lạc bộ” gồm 7 thành viên có vốn đăng ký FDI trên 15 tỷ USD. Khi JPY lên giá so với VND, cùng với lãi suất thấp ở trong nước, sẽ làm cho FDI của Nhật Bản vào Việt Nam có lợi về tỷ giá, do đó, sẽ có điều kiện tăng lên (kể cả đăng ký mới và đăng ký bổ sung).

Nhật Bản đứng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Tính đến nay, lượng vốn ODA của Nhật Bản cam kết cho Việt Nam đạt khoảng 1.394 tỷ JPY (tương đương 15,7 tỷ USD). Mặc dù thời gian qua, việc nhận ODA của Nhật Bản được nhiều ưu đãi, nhưng nếu tỷ giá VND/JPY tăng, thì số nợ của Việt Nam tính bằng VND theo tỷ giá mới sẽ tăng.

Những doanh nghiệp (và cả các dự án) có nguồn vốn vay ODA và những doanh nghiệp, dự án vay thương mại bằng JPY sẽ bị tác động bởi sự lên giá của đồng tiền này.

Không chỉ đứng đầu về vốn ODA, Nhật Bản cũng là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

So với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới mà Việt Nam tham gia xuất, nhập khẩu, Nhật Bản hiện đứng thứ 2 về xuất khẩu (sau Mỹ) và đứng thứ 4 về nhập khẩu (sau Trung Quốc, Singapore, Đài Loan). Đáng lưu ý, trong quan hệ buôn bán với Nhật Bản, Việt Nam đã chuyển từ vị thế xuất siêu sang nhập siêu.

Về lý thuyết, nếu JPY lên giá (cũng có nghĩa là VND giảm giá), xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ có lợi hơn, còn nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản sẽ bị thiệt hơn. Thực tế, năm 2009, tốc độ giảm xuất khẩu nhiều hơn tốc độ giảm nhập khẩu; 6 tháng đầu năm 2010, tốc độ tăng xuất khẩu bằng tốc độ tăng của nhập khẩu (cùng tăng 31%). Như vậy, cần tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu vào Nhật, đồng thời cần giảm nhập siêu, tiến tới lấy lại vị thế xuất siêu đối với thị trường lớn này.

Nhật Bản cũng là nước có lượng khách du lịch đến Việt Nam khá đông so với các nước và vùng lãnh thổ. Năm 1995, có 119,5 nghìn lượt khách Nhật, năm 2000 đạt 142,9 nghìn, năm 2005 đạt 338,5 nghìn, năm 2009 đạt 359,2 nghìn, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). Trong 6 tháng đầu năm 2010, đạt 230,8 nghìn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc JPY lên giá so với VND cũng sẽ có tác động khuyến khích khách Nhật Bản tới Việt Nam.

Nguồn: InfoTV