Cho dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng vẫn có thể nói, XK gạo trong nửa đầu năm nay đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, với những dự báo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, rất có thể thị trường gạo thế giới đang bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn mới 

Sau nhiều năm liên tục sốt nóng, đặc biệt là sau hai năm liên tục bị hoảng loạn gần đây, một loạt quốc gia phụ thuộc vào loại nông sản chiến lược này đều phải quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, cung - cầu gạo thế giới sẽ cân bằng hơn, cho nên thị trường gạo thế giới có nhiều khả năng bình ổn hơn. 

Hai thái cực

Trái ngược với không ít dự báo sốt nóng giá gạo thế giới đạt kỷ lục trên 1.000 USD/tấn như năm 2008 sẽ tái lập vào thời điểm hiện tại của năm nay, thậm chí còn có người “phóng đại” con số này lên 2.000 USD/tấn, tình trạng liên tục tụt dốc đã xuất hiện. Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong năm tháng đầu năm nay, chỉ số chung của giá gạo thế giới không tháng nào không giảm, cho nên đã “rơi tự do” từ 251 điểm phần trăm (ĐPT) xuống chỉ còn 201 ĐPT (năm 2002 - 2004 = 100), tức là đã giảm 19,92%. Trong đó, kỷ lục giảm trong tháng 3 là 9,50% và tháng 4 giảm 6,85%.

Không những vậy, giá gạo XK của nước ta nằm trong nhóm gạo Indica chất lượng thấp (Low Indica) còn giảm mạnh hơn nữa. Bởi lẽ, vẫn theo cơ quan này, chỉ số giá của nhóm gạo này đã giảm từ 237 ĐPT xuống chỉ còn 181 ĐPT, tức là đã giảm 23,63%. Trong đó, ngay trong tháng 2, giá của nhóm gạo này đã giảm rất mạnh 8,02%, tháng 3 giảm 5,96% và tháng 4 đạt kỷ lục giảm 9,76%. 

Trong bối cảnh giá gạo thế giới như vậy, việc giá gạo xuất khẩu của nước ta trong suốt 6 tháng qua vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009 hiển nhiên là những kết quả rất đáng mừng. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của VFA cho thấy, bình quân giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 đạt 463,4 USD/tấn, tăng 16,59%; lũy kế hai tháng là 476,8 USD/tấn, tăng 19,44%; ba tháng là 472 USD/tấn, tăng 17,05%; bốn tháng là 467 USD/tấn, tăng 14,63%; năm tháng là 454 USD/tấn, tăng 10,33%; còn tính đến ngày 25 tháng 6 vừa qua vẫn đạt 447,9 USD/tấn và tăng 8,88%.

Tuy nhiên, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với tổng cộng 3,541 triệu tấn gạo xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, khối lượng vẫn giảm nhẹ 4,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Nếu ngó sang Thái Lan, cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, có thể thấy một kịch bản ngược lại. Đó là, theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo nước này, trong khi khối lượng gạo trắng xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm nay đạt 1,97 triệu tấn, tăng tới 28,63% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng giá xuất khẩu giảm 1,21%. 

Mặc dù vậy, bản tin gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, Thái Lan cũng không thể tiếp tục ồ ạt đẩy gạo ra thị trường thế giới. Bởi lẽ, theo nguồn tin này, đến cuối trung tuần tháng 6 vừa qua thì xuất khẩu gạo trắng của Thái Lan chỉ còn ngang cùng kỳ (2,756 triệu tấn, giảm 0,1%), còn tính đến ngày 27 tháng 6 vừa qua thì chỉ là 2,859 triệu tấn và giảm 1,9% so với cùng kỳ, còn tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước này tính đến hết trung tuần tháng 6 cũng chỉ mới đạt 3,8 triệu tấn và giảm 8,3% so với 4,142 triệu tấn của cùng kỳ năm 2009. Tất cả những điều nói trên cho thấy, trong những tháng đầu năm, trong khi giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta tăng, còn khối lượng xuất khẩu giảm, thì ngược lại, Thái Lan chấp nhận giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu, còn trong những tuần gần đây, khối lượng xuuất khẩu đều giảm, còn giá xuất khẩu vẫn đang đứng ở mức thấp, thậm chí rất thấp.   

“Tan giấc mộng vàng”?

Trước khi bước vào thời điểm mở màn cho một năm xuất khẩu gạo mới hiện tại, có lẽ không mấy ai đã có thể nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu của VFA giữ nguyên 6 triệu tấn gạo xuất khẩu như đã đạt được trong năm 2009, nhưng kim ngạch tối thiểu sẽ đạt ngưỡng hết sức đáng mừng 3 tỷ USD, còn mức cao là 3,2 tỷ USD. 

Bởi lẽ, trong khi “cả làng” đều dự báo năm nay sẽ là “năm vàng” đối với xuất khẩu gạo, còn với thắng lợi giòn giã trong bốn cuộc đấu thầu cung ứng gạo cho Philippines, VFA có “lưng vốn dày” có lẽ chưa từng có với trên 1,4 triệu tấn gạo với giá cao ngất ngưởng trên 570 USD/tấn, chưa kể khối lượng gạo không nhỏ cũng cung ứng cho thị trường này dưới hình thức hợp đồng thương mại, thì mục tiêu đạt giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm dao động trong khoảng 500 - 533 USD/tấn cũng không phải quá cao.

Do vậy, hiển nhiên là việc giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, bất chấp giá gạo thế giới tụt dốc như nói trên. Đương nhiên là do giá của khối lượng gạo không nhỏ cung ứng cho thị trường Philippines với giá cao ngất ngưởng kéo lên. Còn giá của khoảng một nửa trong tổng khối lượng gạo gần 3,2 triệu tấn xuất khẩu trong sáu tháng qua nói chung đều ở mức rất thấp. 

Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cho thấy, giá bình quân của mỗi tấn gạo 5% tấm xuất khẩu trong 8 tuần tính đến ngày 26 tháng 2 năm nay chỉ là 402,86 USD/tấn và trong 8 tuần tính đến ngày 23 tháng 4 giảm mạnh xuống chỉ còn 369,29 USD/tấn, còn trong 8 tuần tính đến ngày 25 tháng 6 vừa qua đã chạm đáy chỉ với 352,14 USD/tấn. Rõ ràng, mức giá quá bèo đã kéo giá gạo bình quân xuống thấp. Do vậy, trong điều kiện các hợp đồng cung ứng gạo cho thị trường Philippines tính đến thời điểm này đã hoàn thành, chí ít là đã cơ bản hoàn thành, việc giá bình quân của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trong những tháng tới sẽ tụt dốc mạnh là điều khó có thể tránh khỏi.

Trong điều kiện như vậy, có lẽ mục tiêu “kép” 6 triệu tấn gạo xuất khẩu với tổng kim ngạch 3 - 3,2 tỷ USD mà VFA hướng tới trong năm nay tới thời điểm này đã vượt quá tầm với của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta. Bởi lẽ, để đạt được tổng kim ngạch chỉ 3 tỷ USD trong năm nay, thì giá bình quân của 2,834 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại từ nay đến cuối năm phải cao ngất ngưởng gần bằng giá gạo cung ứng cho thị trường Philippines mà các doanh nghiệp nước ta trúng thầu trong điều kiện thị trường gạo thế giới đang bị bao phủ bởi nguy cơ tái xuất hiện cơn sốt nóng giá thế giới kỷ lục năm 2008, còn để đạt được tổng kim ngạch 3,2 tỷ USD, thì giá phải đạt mức gần 630 USD/tấn.

Hết thời thuận lợi?

Không những vậy, với những dự báo hồi đầu trung tuần tháng 6 vừa qua, không chỉ “giấc mơ vàng” của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta, cũng như của tất cả các quốc gia xuất khẩu gạo khác đều khó có thể trở thành hiện thực, mà có nhiều khả năng thị trường gạo thế giới đang bước vào một giai đoạn mới: xuất khẩu không còn thuận lợi như hai năm gần đây. 

Thứ nhất, cho dù liên tục tụt dốc mạnh như nói trên, nhưng nếu so với bốn năm đầu của chu kỳ sốt nóng hiện nay, vẫn có thể khẳng định rằng, với bình quân 223 điểm phần trăm (ĐPT), giá gạo thế giới trong năm tháng đầu năm nay vẫn còn cao gấp 1,7 - 1,9 lần so với năm 2004, hoặc gấp 1,3 - 1,4 lần so với thời điểm trước khi giá gạo thế giới đạt kỷ lục năm 2007.

Thực tế đó có thể cho phép tính đến xu thế giảm của giá gạo thế giới không chỉ trong những tháng cuối năm nay, mà còn cả trong năm 2011 sắp tới, thậm chí rất có thể năm 2010 này sẽ chỉ là một năm trong một “chuỗi” kéo dài khoảng 4 - 5 năm giá gạo thế giới liên tục tụt dốc. 

Thứ hai, trong điều kiện giá cả trong xu thế như vậy, việc nguồn cung tăng mạnh sẽ tạo ra áp lực đẩy giá gạo thế giới tiếp tục tụt dốc. Bởi lẽ, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, sau năm “hoảng loạn” 2008, thị trường gạo thế giới lại thêm một lần hoảng loạn về dự báo mất mùa khủng khiếp 16,2 triệu tấn gạo của Ấn độ trong năm 2009, nhưng thực ra sản lượng gạo thế giới chỉ giảm 5,7 triệu tấn so với kỷ lục 447,9 triệu tấn của năm 2008. Ngược lại, năm nay thế giới sẽ được chứng kiến một năm được mùa kỷ lục 459,7 triệu tấn, tăng tới 17,5 triệu tấn và 3,96% so với năm 2009.

Do được mùa lớn như vậy, mặc dù tiêu dùng gạo thế giới năm nay cũng sẽ tăng kỷ lục 10,8 triệu tấn và 2,44%, nhưng thế giới vẫn có thêm 6,3 triệu tấn gạo để tăng lực lượng dự trữ và đây sẽ là năm thứ sáu dự trữ gạo thế giới liên tục được cải thiện.

Trong bối cảnh cung - cầu như vậy, nhập khẩu gạo thế giới trong năm nay cho dù sẽ là lần thứ hai vượt qua ngưỡng 31 triệu tấn, nhưng cũng chỉ tăng 1,64 triệu tấn và 5,23% so với năm 2009.

Những điều nói trên cho phép suy đoán rằng, do thị trường gạo thế giới trong nhiều năm liên tục bất ổn, giá xuất, nhập khẩu đứng ở mức rất cao, cho nên đây là nguồn động lực thúc đẩy cả các nước xuất khẩu gạo lẫn những nước nhập khẩu gạo đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo và năm nay có thể chỉ mới là năm khởi đầu. Bên cạnh đó, mấy năm liên tục thiên tai nặng nề, dường như thiên nhiên cũng đang ủng hộ những nỗ lực của con người.

Thứ ba, trong tương quan cung - cầu như vậy, điều đặc biệt quan trọng là ở chỗ, cho dù nỗ lực vượt bậc đẩy mạnh XK để tái lập kỷ lục xuất khẩu 10 triệu tấn gạo trong năm nay, nhưng kho dự trữ gạo của Thái Lan vào cuối năm nay sẽ tiếp tục tăng 1,15 triệu tấn và đạt kỷ lục chưa từng có hơn 7,4 triệu tấn, cao gần gấp ba lần mức đáy của năm 2007, khi mà Thái Lan dốc kho tăng tốc XK gần 2,2 triệu tấn và tiến sát kỷ lục trên 10 triệu tấn của năm 2008, cho nên sẽ tạo sức ép rất mạnh đẩy giá gạo thế giới tụt dốc. 

Hẳn nhiên, sẽ là sai lầm nếu nói rằng việc giá gạo thế giới tụt dốc trong những tháng qua và có nhiều khả năng sẽ còn giảm thêm nữa đều là do những tác nhân này, nhưng đó chắc chắn là những tác nhân quan trọng nhất. Bởi lẽ, vẫn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, ngoại trừ chúng ta không thể giữ nguyên kỷ lục xuất khẩu 6 triệu tấn gạo của mình trong năm nay, còn những quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu khác cũng đều nhắm vào “phần bánh tăng thêm” quá ít nói trên để đẩy hàng của mình ra thị trường thế giới, điển hình là Pakistan tăng 300 nghìn tấn, Ấn Độ và Brazil cùng tăng 200 nghìn tấn... Cho nên rõ ràng việc Thái Lan tăng xuất khẩu nửa triệu tấn để tái lập kỷ lục 10 triệu tấn trong năm nay, mà kho gạo dự trữ vẫn đầy thêm như vậy chính là tác nhân quan trọng nhất kéo giá gạo thế giới tụt dốc. 

Tóm lại, các quốc gia phụ thuộc vào loại nông sản chiến lược này đều phải quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, cung - cầu gạo thế giới sẽ cân bằng hơn, cho nên thị trường gạo thế giới có nhiều khả năng bình ổn hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện “củi quế, gạo châu” của thị trường thế giới như hiện nay và kho gạo dự trữ của thế giới vẫn còn quá xa mới có thể đạt mức bảo đảm an ninh như thập kỷ 90, cho nên gần như chắc chắn có thể loại trừ khả năng giá gạo thế giới tụt dốc thảm hại như những năm cuối của thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, mà có nhiều khả năng ổn định ở mức cao.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử