Hoa Kỳ đã đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới đánh giá xem liệu Ấn Độ có được phép duy trì trợ cấp xuất khẩu cho ngành dệt may không trong khi các biện pháp này bị cấm áp dụng theo quy định áp dụng trên toàn cầu. 

Theo quy định của WTO về trợ cấp, các nước chậm phát triển và một số nước đang phát triển bao gồm Ấn Độ được phép duy trì trợ cấp xuất khẩu với một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, theo quy định này, các nước đang phát triển như Ấn Độ sẽ không được hưởng ngoại lệ về trợ cấp bị cấm này nữa khi sản phẩm liên quan đạt mức cạnh tranh xuất khẩu, nghĩa là kim ngạch xuất khẩu đạt 3,25% tổng giá trị thương mại thế giới về sản phẩm này trong 2 năm liên tục.

Nếu phán quyết của WTO nghiêng về phía Hoa Kỳ thì sẽ yêu cầu Ấn Độ dần dần xóa bỏ biện pháp trợ cấp xuất khẩu này trong vòng 8 năm. Đề nghị rà soát của Hoa Kỳ bao gồm tất cả các chủng loại hàng dệt may của Ấn Độ từ năm 1996 trở đi. Trong bản đề nghị của mình, Hoa Kỳ lập luận rằng “có lý do để tin rằng Ấn Độ đã đạt được cạnh tranh xuất khẩu… đối với một số sản phẩm.”

Người phát ngôn của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết lần ước tính gần đây nhất về một số sản phẩm dệt may của Ấn Độ được thực hiện năm 2003. Theo các thông tin được công bố công khai thì Hoa Kỳ “biết một số chương trình trợ cấp của Ấn Độ có thể coi là trợ cấp xuất khẩu. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một số cuộc điều tra chống trợ cấp để kiểm tra cac chương trình ưu đãi dựa vào thành tích xuất khẩu.”

Một quan chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ nói rằng Hoa Kỳ có quyền yêu cầu việc rà soát như vậy nhưng bổ sung rằng Ấn Độ vẫn được phép hưởng ngoại lệ về trợ cấp xuất khẩu theo quy định của WTO.

Theo số liệu thống kê của WTO, năm 2008 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Ấn Độ đạt 10,27 tỷ USD và 10,9 tỷ USD, lần lượt chiếm 4,1% và 3% thương mại toàn cầu đối với các mặt hàng này.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam