Nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Algeria nói chung và tỉnh Bejai nói riêng, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Bejaia đã phối hợp tổ chức Hội thảo doanh nghiệp giới thiệu tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước vào ngày 21/12/2016 tại Bejaia.

Bejaia là một tỉnh nằm ở miền đông đất nước, cách thủ đô Alger khoảng 300 km.

Đây cũng là một trong những thành phố cảng quan trọng nhất với dân số 1,2 triệu người đồng thời là trung tâm thương mại và công nghiệp lớn của Algeria. Tuy dân số không đông song số lượng doanh nghiệp của Algeria hoạt động tại đây lên tới 100.000 công ty.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bejaia vàkhoảng 70 doanh nghiệp của Algeria hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng nông sản, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ... Về phía Việt Nam có Đại sứ và Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã giới thiệu khái quát những thành tựu của Việt Nam trong 30 năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời khẳng định chính sách của Việt Nam là luôn mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với các nước châu Phi trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.

Đại sứ nhấn mạnh triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất khả quan và bày tỏ tin tưởng rằng cuộc hội thảo này là cơ hội để hai bên trao đổi thông tin nhằm hiểu rõ hơn thị trường hai nước, qua đó giúp phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Đại sứ cũng khẳng định sẽ làm hết sức mình để giúp các doanh nghiệp Algeria trong trao đổi kinh tế và thương mại với các đối tác Việt Nam trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng thắng.

Để cộng đồng doanh nghiệp Algeria hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế, hội nhập, chính sách thương mại, đầu tư của Việt Nam, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và lao động giữa hai nước trong thời gian qua, những vấn đề lưu ý khi kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam vàtriển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bejaia đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo và cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp Algeria hiểu biết rõ hơn thị trường Việt Nam, qua đó góp phần phát triển và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nhân dịp này, ông cũng giới thiệu các tiềm năng hợp tác với tỉnh Bejaia trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, du lịch nhằm góp phần đạt mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam đã cung cấp các địa chỉ hữu ích và phát tài liệu, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của 19 ngành hàng, catalogue các doanh nghiệp Việt Nam cho các đại biểu tham dự, trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về quy định XNK, những cơ hội và tập quán kinh doanh với Việt Nam, khả năng hợp tác đầu tư...

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Algeria bày tỏ mong muốn Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan hai nước tiếp tục tạo điều kiện về cung cấp thông tin thị trường, đối tác, thuế xuất nhập khẩu cũng như việc cấp visa vào Việt Nam, tăng cường tổ chức trao đổi đoàn, tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế,hội thảo giao thương... Ngoài thương mại, doanh nghiệp Algeria cũng muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Nhân chuyến công tác tại tỉnh Bejaia, đoàn công tác của Đại sứ quán đã đến làm việc với lãnh đạo cảng biển Bejaia. Đây là cảng có công suất bốc dỡ hàng lớn nhất Algeria, chiếm 23% tổng khối lượng hàng hóa lưu chuyển của nước này, nhất là đối với các mặt hàng dầu khí, nông sản, gỗ.

Algeria hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam tại châu Phi. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đã đạt 242 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm cà phê,điện thoại di động và linh kiện, gạo, hàng hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, dệt may, giày dép...

Nguồn: Bộ Công thương