Chiều 14/12/2016 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp liên ngành thường kỳ nhằm đánh giá tình hình hợp tác ASEAN, sự phối hợp của các Bộ, ngành trong tham gia hợp tác ASEAN năm 2016, và phương hướng tham gia ASEAN thời gian tới.

Đánh giá cao tầm quan trọng của năm 2016 - là năm đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN, cuộc họp tổng kết những thành công của quá trình triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột (an ninh – chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội). Nét mới trong quá trình triển khai lần này là những cải tiến trong công tác giám sát, theo dõi thực thi với phân công cụ thể, thời hạn rõ ràng, chú trọng đánh giá số lượng, chất lượng và tác động của các hoạt động hợp tác ASEAN.

Ông Vũ Hồ, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, hợp tác ASEAN trong năm 2016 đã đạt được kết quả nhất định trên tất cả các trụ cột, đồng thời cũng là năm thành công trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.

Về trụ cột chính trị - an ninh (APSC), ASEAN đã triển khai 141/290 chương trình hành động trong Kế hoạch tổng thể đến 2025. Về trụ cột kinh tế (AEC), đã có 18 kế hoạch hành động được triển khai, trên tất cả các mặt, các ngành trong hợp tác kinh tế ASEAN. Về trụ cột văn hóa – xã hội (ASCC), ASEAN đã triển khai đồng loạt 109 dòng hành động, tính đến tháng 11/2016.

Về pháp lý, đã có 217 văn kiện ASEAN được ký kết, trong đó có 153 văn kiện đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn 23 văn kiện liên quan đến trụ cột an ninh – chính trị và kinh tế chưa thực hiện được, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Trong quan hệ đối ngoại, các bên đối thoại đặc biệt chú trọng, ủng hộ ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. ASEAN đã nâng quan hệ đối tác chiến lược với 7/11 đối tác chính, trong đó có Nga và EU. ASEAN cũng đã trao quy chế đối thoại chiến lược cho 2 nước Na Uy và Thụy Sỹ; trao quy chế đối thoại về phát triển cho CHLB Đức.

“Có thể thấy, hợp tác của ASEAN trong năm 2016 nổi lên một số vấn đề chính, đó là: Đoàn kết ASEAN tiếp tục được duy trì, các vấn đề nội bộ được xử lý một cách tương đối phù hợp với lợi ích của tất cả các nước; Đảm bảo được hòa bình, an ninh, xử lý các điểm nóng, các thách thức của an ninh ở khu vực; Thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác lớn, dựa trên nguyên tắc ASEAN sáng lập; Cùng với sự phát triển của ASEAN, cấu trúc khu vực đã dần hình thành và thúc đẩy hợp tác khu vực rộng lớn hơn hợp tác khu vực Đông Á, vì hòa bình và ổn định chung của cả khu vực; ASEAN từng bước phát triển, mở rộng và tham gia một cách có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế và toàn cầu” – ông Hồ nói.

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục tham gia đầy đủ, hoàn thành nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, thể hiện qua việc xây dựng các kế hoạch triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng như gắn kết với tiến trình hội nhập chung; chủ động thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý những thách thức lớn của khu vực, nhất là vấn đề biển Đông; làm tốt vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ; và tích cực hỗ trợ Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2016.Bên cạnh đó, theo ông Hồ, ASEAN vẫn còn những tồn tại, tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, ASEAN - Trung Quốc cũng đã đạt được một số sáng kiến nhằm ổn định, trong đó có việc hai bên đã thiết lập đường dây nóng để xử lý các vấn đề biển Đông.

Năm 2017 ghi dấu dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 10 năm Hiến chương ASEAN. Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra thách thức cho sự đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời đòi hỏi ASEAN tăng cường sức sống mới cho giai đoạn phát triển tới. Trên cơ sở đó, cuộc họp nhất trí Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác ASEAN, tập trung vào những trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột, tạo động lực và sức sống mới cho hợp tác ASEAN; phối hợp triển khai các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Phillipines.

Thứ hai, củng cố đoàn kết, thống nhất và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực, qua đó bảo đảm vai trò và lợi ích của ASEAN và các nước thành viên; thúc đẩy đạt tiến triển thực chất trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả; tích cực tham gia triển khai các biện pháp tăng cường khuôn khổ hợp tác Cấp cao Đông Á.

Thứ ba, đóng góp đưa quan hệ đối ngoại của ASEAN đi vào chiều sâu và thực chất hơn, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ và tổ chức thành công Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ.

Thứ tư, tiếp tục cải tiến thể thức và hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy và các khuôn khổ hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với đối tác. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương tham gia hợp tác ASEAN, trong đó có tăng cường bộ phận chuyên trách về hợp tác ASEAN.

Thứ năm, tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam và trên thế giới, qua đó tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN, nâng cao nhận thức, thúc đẩy bản sắc chung và lợi ích của Cộng đồng ASEAN.

Nguồn: Báo Công thương