Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và Công ty TNHH Brain Works đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về thương mại, đầu tư Việt Nam- Nhật Bản vào chiều ngày 14-12, tại Cần Thơ.

Thông tin từ ban tổ chức, cho biết mục tiêu của việc ký kết này là để kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, việc thực hiện sẽ được tiến hành hàng năm tại mỗi quốc gia với các chương trình, gồm các hoạt động khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư, tư vấn, đào tạo và kết nối giữa doanh nghiệp ĐBSCL với doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết thời gian gần đây, việc tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn, từ yêu cầu sản phẩm giản đơn, chất lượng ở mức vừa phải, sang hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng.

“Sự gia tăng thương mại giữa Việt Nam với các nước như Trung Quốc, Indonesia, kể cả Ấn Độ…, với những đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chất lượng cao cũng ngày càng thấy rất rõ”, ông Dũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, có một “nút thắt” hiện nay ở ĐBSCL, đó là các doanh nghiệp ở đây hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tham gia xuất khẩu ở các lĩnh vực như lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm), nhưng chỉ dừng lại ở xuất nguyên liệu thô. “Vì vậy, muốn đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất thiết phải chế biến sâu, làm ra sản phẩm giá trị gia tăng và công nghệ, quản trị là những đòi hỏi tất yếu để thực hiện điều đó”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, Nhật Bản là quốc gia có uy tín, có trình độ khoa học công nghệ và quản trị rất tốt. Vì vậy, sự hiện diện của các công ty Nhật Bản ở ĐBSCL sẽ giúp thay đổi được vấn đề này và đó cũng là lý do VCCI Cần Thơ cùng với Công ty TNHH Brain Works ký bản ghi nhớ hợp tác thương mại Việt Nam-Nhật Bản.

Ông Kondo Noburo, Chủ tịch Công ty TNHH Brain Works, cho rằng tiềm năng để Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn. Trong khi đó, việc phát triển thêm doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản là khá khó khăn nên việc đầu tư ra nước ngoài mà cụ thể ở khu vực ĐBSCL là một lựa chọn của doanh nghiệp Nhật.

Ngoài ký bản ghi nhớ hợp tác thương mại, hai đơn vị này cũng đã ký kết bản ghi nhớ thành lập và quản lý Trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ thông tin truyền thông (ICT) tại ĐBSCL đặt ở Cần Thơ.

Theo đó, các bên sẽ tiến hành hợp tác nghiên cứu về đổi mới công nghệ thông tin tại Cần Thơ trên cơ sở hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, trường đại học về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo kế hoạch, Trung tâm ICT sẽ được thành lập vào tháng 3-2017 với 11 thành viên, trong đó, có 1 tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và 10 doanh nghiệp Nhật kinh doanh trong các lĩnh vực về lập trình phần mềm, công nghệ thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, tư vấn xúc tiến đầu tư, xử lý tái chế…

Theo ông Dũng, việc thành lập Trung tâm ICT tại ĐBSCL sẽ là bước đi lớn, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghệ truyền thông tại khu vực này.

Nguồn: Thesaigontimes