Ngày 11-12 đánh dấu đúng 15 năm Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây cũng là thời gian Trung Quốc liên tục vận động để được công nhận quy chế "kinh tế thị trường" - chìa khóa mở rộng cánh cổng cho hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Nhưng theo Epochtimes, các thành viên WTO - trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản - vẫn chưa thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Một khi có được quy chế kinh tế thị trường, Trung Quốc sẽ khó bị xác định bán phá giá hàng hóa.

Chuyên gia người Mỹ về vấn đề Trung Quốc, ông Gordon Chang, cho biết theo sự hiểu biết chung, sau 15 năm gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ được tự động cấp quy chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các nước đối tác của Trung Quốc lại giải thích quy định này theo cách khác nhau.

Tuần trước, Nhật Bản cho biết sẽ không trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker nói vẫn còn quá sớm để trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Trong khi đó, EU thiết kế quy tắc “quốc gia trung lập”, cho phép EU sử dụng giá của nước thứ 3 để xác định Trung Quốc có bán phá giá hay không.

Trung Quốc có thể trả đũa

Ngày 9-12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương nói Trung Quốc sẽ có biện pháp cần thiết đối với việc WTO từ chối trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ làm tất cả để "quyền lợi chính đáng của Trung Quốc phải được tôn trọng". Nói cách khác, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực với các đối tác để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Cụ thể, Trung Quốc có thể đe dọa giảm đầu tư vào EU hay tăng thuế nhập khẩu đối với hàng nước ngoài. Một số luật gia thậm chí còn cho rằng có khả năng Trung Quốc kiện EU ra trước tòa trọng tài của WTO.

Còn theo báo chí Trung Quốc, quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc sẽ là điều tốt đối với tất cả mọi người. Theo Tân Hoa xã, từ năm 2001, nhờ hàng rẻ của Trung Quốc mà mãi lực của người tiêu dùng ở khắp nơi đã gia tăng đáng kể, tình trạng nghèo khó trên thế giới qua đó được thu hẹp lại.

Mỹ cảnh báo áp thuế chống bán phá giá máy giặt của Trung Quốc

Ngày 9-12, Bộ Thương Mại Mỹ ra kết luận cuối cùng về việc các nhà sản xuất Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm máy giặt tại thị trường Mỹ, đồng thời cảnh báo các sản phẩm này có thể bị áp mức thuế trừng phạt. Một thông báo của Bộ Thương Mại Mỹ cho biết các sản phẩm máy giặt gia dụng nhập khẩu từ Trung Quốc đã nhận được các khoản trợ giá từ 32,12-52,51% khi bày bán tại thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ chỉ đạo Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ thu hồi số tiền phá giá, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ áp mức thuế phạt lên đến 52% đối với mặt hàng trên.

Theo quy định, mức thuế trừng phạt đối với những sản phẩm trên của Trung Quốc sẽ được áp dụng sau khi Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu hành động bán phá giá trên có ảnh hưởng đến các công ty Mỹ hay không. USITC dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng vào tháng 1-2017.

Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá với mặt hàng máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 1-2016, theo yêu cầu của công ty Whirlpool trụ sở tại bang Michigan (Mỹ). Theo số liệu chính thức của Mỹ, trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm máy giặt từ Trung Quốc ước đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ tôn trọng cam kết của nước này trong việc chống bảo hộ, đồng thời duy trì môi trường thương mại quốc tế tự do, cởi mở và công bằng.

Nguồn: Thesaigontimes