Một trong những tin tức nóng hổi nhất cuối tuần qua, là việc Quốc hội Nhật Bản chính thức phê chuẩn Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất chấp sự nguội lạnh thờ ơ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Dù đã thể hiện quyết tâm đến cùng với TPP, nhưng Nhật Bản cũng nhận ra mình phải dần dần chuyển hướng sang các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

Hy vọng nói mà không giữ lời

Với việc Quốc hội phê chuẩn TPP với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 165 phiếu thuận - 70 phiếu chống tại Thượng viện, nước Nhật đã phát đi một thông điệp về tầm quan trọng của thương mại tự do trong khu vực.

“Dân số Nhật Bản đang giảm dần. Nếu muốn tiếp tục duy trì tăng trưởng thì Nhật Bản phải khai thác các thị trường châu Á, nơi có dân số ngày càng tăng và quy mô không ngừng mở rộng”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã công kích ra mặt đối với các FTA, vì cho rằng Mỹ suốt ngày phải chịu thiệt. Đến khi trúng cử, vị tỷ phú này tái khẳng định sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, vào 20/1/2017.

Giả sử ông Trump nói đi đôi với làm, thì Nhật Bản vẫn còn một vài lựa chọn khác, bao gồm: tiếp tục theo đuổi TPP mà không có Hoa Kỳ, thương lượng một thỏa thuận thương mại hai chiều với Mỹ, hoặc chuyển hướng ưu tiên FTA với các nước khác. “Nhật Bản sẽ nghiên cứu tất cả những phương án này”, ông Noboru Hatakeyama - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và đang là Chủ tịch Viện Thương mại và Đầu tư Quốc tế, cho biết. Trong khi đó, dù thừa nhận tình thế không đứng về phía mình, nhưng ông Abe vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được ông Trump đổi ý, để cho TPP một cơ hội.

Song song với TPP, Nhật Bản cũng đang đàm phán một số thỏa thuận thương mại tự do khác và sự thụt lùi của TPP chính là cơ hội để những FTA này có động lực tăng tốc.

Nói như bà Cecilia Malmstrom - Phụ trách các vấn đề thương mại của EU, thì “Nỗi thất vọng về TPP đương nhiên sẽ buộc một số nước phải suy nghĩ lại về chiến lược thương mại của mình... Nhờ đó, mà EU và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn và thường xuyên trao đổi hơn”.

Nhật Bản và EU dự kiến sẽ tiến hành phiên đàm phán tiếp theo trong tuần này, với mục tiêu tương đối gấp gáp là chốt được các vấn đề cơ bản ngay trong năm nay.

Ngoài ra, Nhật Bản còn đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gọi tắt là RCEP, với 16 quốc gia châu Á khác.

Từ ý nghĩa thành vô nghĩa

Tuy nhiên, khó có hiệp định nào thay thế được TPP trong “tâm trí” nước Nhật, bởi ở đó, Nhật Bản có cơ hội xích lại với đồng minh quan trọng nhất của mình, là nước Mỹ, mà không có Trung Quốc can dự. Các hiệp định khác mà Nhật Bản đang đàm phán cũng thu hẹp phạm vi cam kết hơn, chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào việc giảm thuế, trong khi TPP chạm đến cả những vấn đề phi truyền thống như lao động hay sở hữu trí tuệ.

Đó là chưa kể RCEP do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt, nên Nhật Bản không quá mặn mà.

Mặc dù ông Abe từng tuyên bố TPP mà không có Mỹ sẽ trở nên “vô nghĩa”, nhưng giới phân tích cho rằng nước Nhật sẽ phải nhìn thẳng vào thực tế có xác suất rất cao đó, nếu ông Trump chính thức “vẫy tay tạm biệt” TPP sau khi nhậm chức.

Ông Trump đã nói rằng, nếu có FTA thì ông sẽ ưu tiên song phương hơn là đa phương. Nếu theo đuổi phương án B, là đàm phán tay đôi với Mỹ, thì Nhật Bản lại càng phải thận trọng, rút kinh nghiệm hai lần đàm phán thất bại những năm 1980 và 1990, làm ảnh hưởng tới cả mối quan hệ ngoại giao nói chung.

Có lẽ vì vậy mà Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - ông Koichi Hagiuda, mới nói rằng: “Nhật Bản sẽ không tham gia thỏa thuận tự do thương mại song phương với Mỹ”, tại một hội thảo mới được tổ chức.

Quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Hatakeyama thì ngược lại. Vị này khẳng định Nhật Bản cần có một thỏa thuận với Mỹ để làm đối trọng với Hàn Quốc, nước đã ký FTA với Mỹ. Mỹ hiện đang áp thuế 25% đối với xe tải nhỏ nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi các sản phẩm tương tự của Hàn Quốc sẽ không phải bận tâm thuế má khi vào thị trường Mỹ trong tương lai.

Nguồn: Thoibaokinhdoanh