Siết chặt việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả và các quyền có liên quan trong môi trường số, là một trong những quy định quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà doanh nghiệp phải hiểu biết và nắm vững nếu muốn tồn tại và phát triển.

Nội dung về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được các diễn giả và chuyên gia đưa ra tại cuộc hội nghị tập huấn về việc hội nhập quốc tế về kinh tế, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tuần qua ở Hà Nội. Bên cạnh những quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, còn có một số quy định quan trọng khác, đó là không phân biệt đối xử đối với sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu hoặc phí nội địa đối với sản phẩm số...

Thách thức nhiều hơn

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, TPP được xem là bản hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có nhiều nước tham gia nhất, đa dạng về trình độ phát triển kinh tế. Hiệp định này còn có sự tham gia sâu của các vị lãnh đạo chính trị cấp cao của các quốc gia thành viên. Một trong những nội dung đàm phán đầy khó khăn của TPP là quyền sở hữu trí tuệ, có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một số yêu cầu chính của nội dung này có thể kể đến là nâng cao mức độ và kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền có liên quan; siết chặt việc thực thi (bảo vệ) quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả và các quyền có liên quan trong môi trường số (trách nhiệm của ISP)... Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã đồng ý sửa đổi một số văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hình sự để cho phép xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm một số hình thức mới như câu trộm cáp truyền hình.

Trong phần cam kết TPP về thương mại điện tử, Việt Nam đã chấp nhận một số yêu cầu chính như: không phân biệt đối xử đối với sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu hoặc phí nội địa đối với sản phẩm số; cho phép tự do truy cập, lưu chuyển thông tin (trên Internet); không yêu cầu đặt trang thiết bị (máy chủ) tại nước sở tại như là điều kiện để cấp giấy phép đầu tư hay cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong các trường hợp liên quan đến vấn đề an ninh-quốc phòng, trật tự - an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục thì các thành viên của TPP vẫn được áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả vi phạm những nghĩa vụ nói trên. Ngoài ra, trong thời gian ba năm kể từ khi bản hiệp định có hiệu lực, các nước cam kết không khiếu kiện các quy định của pháp luật Việt Nam được ban hành trước khi TPP có hiệu lực, ông Khanh cho biết thêm.

Khi Việt Nam tham gia TPP, những tiêu chuẩn cao về mặt quản trị cũng đặt ra không ít thách thức cho bộ máy quản lý nhà nước. Các cơ quan này phải sửa đổi, ban hành nhiều văn bản pháp luật để thực thi. Bên cạnh đó, sự gia tăng tính cạnh tranh có thể khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản, khiến người lao động thất nghiệp. Mặc dù những điều cam kết nói trên sẽ mang lại nhiều sự thách thức cho hoạt động của các doanh nghiệp trong môi trường số, nhưng cơ hội mà TPP tạo ra cũng không ít. Ông Khanh cho biết nhiều tập đoàn công nghệ đã đón đầu TPP thông qua nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam. Và Việt Nam có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; việc Intel, Microsoft, Samsung, LG... đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian gần đây đã đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ, giúp nâng tầm kinh tế đất nước trong 5-10 năm tới.

Ở góc nhìn cá nhân, với hơn 20 năm kinh nghiệm tham gia các hoạt động đàm phán và hiểu biết về các điều khoản cam kết quốc tế, ông Khanh khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần nắm vững các điều cam kết của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho trung hạn và dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp khi muốn hội nhập kinh tế thành công thì phải hiểu kỹ các định chế quốc tế đang ngày càng trở nên phức tạp. Sự chuẩn bị sẵn sàng, sự hiểu biết kỹ lưỡng cần phải làm gì để thích ứng với một thị trường rộng lớn hơn khi hội nhập là rất quan trọng.

Ông Hưng cũng cho rằng hai nhóm thành phần cần đặc biệt quan tâm và tích cực tham dự các cuộc hội nghị tập huấn về hội nhập quốc tế là các nhà quản lý đang làm công tác xây dựng chính sách và các doanh nghiệp.

Kỳ vọng vào những tác động tích cực

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong quá trình đàm phán TPP, những điều cam kết về quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng. “Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương hiệu, nên doanh nghiệp nếu không nhận thức đầy đủ sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích trong kinh doanh”, bà Hằng chia sẻ.

Trong khi đó ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định rằng quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi vì nó không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục không giới hạn bởi không gian, thời gian mà là còn công cụ pháp lý để bảo vệ và giúp doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu, trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ có tác động tích cực khi khuyến khích được các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của sự lao động sáng tạo. Thực thi hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Phòng Pháp chế của Cục Sở hữu Trí tuệ, cũng là thành viên đoàn đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP, việc doanh nghiệp nắm vững những nguyên tắc về quyền này cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã nắm vững một phần của công thức hội nhập.

Quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không chỉ có những quy định chung cùng những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực hợp tác, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả… mà còn chú trọng vào yếu tố thực thi quyền này của các quốc gia.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP không chỉ phải tuân thủ những yêu cầu được đề ra trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn phải “chịu” sự “đánh giá” về năng lực hoạt động, ý thức trách nhiệm thông qua việc thực thi những yêu cầu đó của 11 nước thành viên còn lại.

Theo ông Trần Minh Dũng, vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Tuân thủ yêu cầu, bảo đảm thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ trong TPP là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ chính mình, bảo vệ thành quả lao động của người lao động trong tổ chức của mình, mà còn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của sự lao động sáng tạo.

Ông Dũng cho hay, trong thời gian qua, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn gặp nhiều sự thách thức khi các hành vi xâm phạm ngày càng gia tăng và phức tạp. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến năm 2015, đã có hơn 26.000 vụ việc liên quan đến sự vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt, với mức phạt là 68 tỉ đồng. Trong đó, các sản phẩm và nhãn hiệu bị xâm phạm chủ yếu thuộc lĩnh vực điện-điện tử, thời trang, hàng gia dụng…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn