Năng lực công nghiệp hạn chế khiến Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về cái gọi là “bẫy” mậu dịch tự do.

Bẫy mậu dịch tự do, theo cách nhìn nhận của các chuyên gia Viện nghiên cứu Việt Nam (thuộc trường Đại học Waseda) có nghĩa là ảnh hưởng của trào lưu tự do mậu dịch khiến cấu trúc về lợi thế so sánh của các nước đi sau bị cố định, khó thay đổi. Hậu quả là các nước vướng bẫy sẽ không thể dịch chuyển lên trình độ cao hơn. 

Dường như thách thức đang lớn hơn khi phân tích riêng trường hợp Việt Nam với tư cách là thành viên tham gia ký kết các hiệp định tự do mậu dịch giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA). Việt Nam có nghĩa vụ phải cắt bỏ dần hàng rào thuế quan đối với nhóm hàng hóa thông thường theo 8 giai đoạn kể từ ngày 1/1/2005 đến ngày 1/1/2015. Đến thời điểm tháng 4/2010, lộ trình cắt giảm đã trải qua 5 giai đoạn, số chủng loại hàng áp thuế còn lại rất ít.

Vấn đề nằm ở chỗ, thâm hụt mậu dịch trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng, cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông lâm và khoáng sản. “Điều này tương phản với trường hợp của các nước ASEAN khác khi các thành viên ban đầu của ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippine xuất khẩu chủ yếu hàng công nghiệp sang Trung Quốc”, Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda phân tích. Ông cho rằng, hiệu quả cắt giảm thuế quan đối với kích thích xuất khẩu của Việt Nam là không cao.

Như vậy, viễn cảnh đầy áp lực là khi thực hiện hoàn toàn lộ trình đã cam kết trong ACFTA, các ngành công nghiệp liên quan đến ô tô, tơ sợi, dệt vải… của Việt Nam sẽ chịu thách thức rất lớn, thậm chí là nguy cơ phá sản khi lý do các ngành này tồn tại được là nhờ mức thuế quan cao. Đáng lo ngại là cơ cấu về lợi thế so sánh của Việt Nam (vốn đang bất lợi khi Việt Nam chủ yếu xuất thô) sẽ khó thay đổi nếu không có một chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. “Nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong năng lực xuất khẩu của Việt Nam là do những hạn chế về sức cạnh tranh của công nghiệp, chất lượng doanh nghiệp tư nhân cũng như những yếu kém của thị trường các yếu tố sản xuất, nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và đặc biệt là năng lực xây dựng và thi hành chính sách phát triển còn kém hiệu quả”, Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh. Ông cho rằng, các điểm yếu này, nếu không được tháo gỡ kịp thời, sẽ tiếp tục làm khó cho năng lực cạnh tranh quốc tế của công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khu vực Đông Á hiện đang nổi lên sự trỗi dậy của Trung Quốc với nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô cũng như tốc độ và quá trình tự do hóa mậu dịch và đầu tư hình thành theo xu hướng hợp nhất khu vực. 

Cũng phải nhấn mạnh rằng, chính điểm yếu trong năng lực xuất khẩu của Việt Nam đã gần như loại bỏ cơ hội của Việt Nam khi Trung Quốc quyết định tăng giá đồng Nhân dân tệ. Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, ngay khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng tỷ giá giao dịch giữa Nhân dân tệ và USD thêm 0,43%, lên mức 6,7980 Nhân dân tệ/USD, các nước xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên, Việt Nam dường như khó tận dụng cơ hội này khi nhập siêu với Trung Quốc rất lớn. Hơn thế, với cơ cấu hàng xuất khẩu hiện tại, với hiện trạng của ngành công nghiệp xuất khẩu nguyên liệu thô, khoáng sản chưa chế biến… có thể sẽ làm tăng mạnh, làm đậm hơn bất lợi của Việt Nam trong năng lực cạnh tranh. 

Cũng phải nói thêm là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ nhập nguyên liệu phục vụ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc khá lớn, và tỷ giá linh hoạt của Trung Quốc sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ thị trường này gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính xu thế của khu vực đang làm bật lên những lợi thế so sánh động của Việt Nam. Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khả năng cạnh tranh của các ngành dệt may, da giày, nông hải sản chế biến là rất khá. 

Ông Vũ Minh Khương thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng, Việt Nam cần triệt để tận dụng cơ hội mang lại từ sự trỗi dậy của châu Á. “Việt Nam nên chủ động và có chiến lược tích hợp mình vào nền sản xuất châu Á bằng cách làm việc chặt chẽ với các công ty đa quốc gia hàng đầu trong các hệ thống này”, ông Khương đề xuất. Với mối quan hệ với Trung Quốc, ông Khương cho rằng Việt Nam nên tận dụng lợi thế là đầu cầu chiến lược vào thị trường Trung Quốc bằng cách xây dựng một chiến lược có hiệu quả để thu hút FDI và giúp doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường khổng lồ này.

Nguồn: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử