Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2009 giảm 4,3% so với năm 2008; trong đó xuất khẩu vào EU đạt giá trị 1,11 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong năm 2010, xuất khẩu thủy sản nước ta sẽ tăng tốc ở thị trường châu Mỹ (do được lợi nhờ sự cố tràn dầu) và giảm sút ở thị trường châu Âu (EU) do EU đang gồng gánh nợ của Hy Lạp.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần thông tin AgroMonito khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản nên chuyển hướng xuất khẩu tôm sang châu Mỹ, nhưng cá da trơn thì nên bền chí “công thủ” ở EU.

EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản chiến lược của Việt Nam, 27 nước thuộc khối EU đã tiêu thụ khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Trong top 10 thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có 4 quốc gia thuộc khối EU là Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2009 giảm 4,3% so với năm 2008; trong đó xuất khẩu vào EU đạt giá trị 1,11 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước đó. Tuy nhiên mức giảm của thị trường EU vẫn chưa quá mạnh nếu như so sánh với kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Nhật Bản với mức giảm lần lượt là 7,2% và 12%.

Theo ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng của AgroMonitor, sở dĩ trong năm 2009, xuất khẩu thủy sản sang EU không sụt giảm nhiều như xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản là bởi nhiều nguyên nhân.

Một là, kinh tế của khối EU trong năm 2009 tuy đã rơi vào tình trạng suy thoái nhưng vẫn còn sáng sủa hơn so với Nhật Bản và Mỹ. Hai là, các doanh nghiệp Việt Nam đã khá chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tại châu Âu, tham gia nhiều hoạt động quảng bá, hội chợ triển lãm thủy sản.

Nhờ vậy, đã có thêm 30 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào EU, nâng tổng số các doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào thị trường này lên 330.

Năm 2010, thương mại của khối EU mặc dù đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại nhưng sự phục hồi được cho là khá yếu ớt, thậm chí các quốc gia EU lại đang phải đối mặt với những thách thức to lớn hơn đó là vấn đề nợ công và thất nghiệp.

Từ tháng 4/2010 đến nay, khi những thông tin về khủng hoảng nợ công của Hy Lạp có xu hướng ngày càng lan rộng sang các nền kinh tế khác thuộc EU, tỷ giá giữa đồng EUR và USD đã sụt giảm khá mạnh. Sau khi đạt mức 1,491 USD ăn 1 EUR vào tháng 11/2009 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, đồng EUR đã giảm liên tục kể từ đó tới nay. Đến hết tháng 5/2010, 1 đồng EUR chỉ còn ăn 1,2565 USD, tức đã giảm tới 15,75% so với thời điểm tháng 11/2009.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu vẫn còn mong manh, bởi Đức và Pháp sẽ phải chia sẻ gánh nặng lớn từ gói cứu trợ những thành viên khó khăn trong cộng đồng do vậy nguồn lực cho những chính sách tài khoá trong nước họ sẽ ít hơn. Như vậy, triển vọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU trong trung hạn có thể gặp nhiều thách thức do thu nhập và tiêu dùng sẽ khó có thể được cải thiện dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cũng bị hạn chế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản của nước ta trong 6 tháng đầu năm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm đã trở thành mặt hàng có tốc độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu mạnh nhất, kim ngạch trong 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng mạnh tới 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ vậy, mặt hàng tôm đã vượt qua cá tra, cá basa để vươn lên vị trí đứng đầu trong nhóm thủy sản của Việt Nam. Có được thành quả này, một phần là nhờ thị trường Mỹ đã hồi phục nhanh, đồng thời do sự cố tràn dầu nên nguồn cung tôm ở châu Mỹ đang sụt giảm nghiêm trọng.

Tính trong 6 tháng đầu năm, thị trường tiêu thụ hàng thủy sản số một của Việt Nam vẫn là EU, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 18%, Mỹ đứng thứ 3 với 17,1%.

AgroMonitor nhận định rằng, cá tra, cá basa chính là sản phẩm chủ lực để giữ vững thị trường EU. Hiện cá tra đã dần chiếm lĩnh thị phần của các sản phẩm cá thịt trắng nhập khẩu của EU.

Đứng trước bối cảnh kinh tế đình trệ và nhiều bất ổn của các nước EU, theo Agromonitor, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên chủ động có những sự chuẩn bị và điều chỉnh về chiến lược. Sự biến động kinh tế các nước EU đang rất nhanh chóng và diễn biến khó lường, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần theo dõi sát sao các biến động của kinh tế EU và tỷ giá Euro với USD. Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngay chính trong lòng thị trường EU, chuyển hướng sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên.

Một số thị trường đáng chú ý có mức tăng trưởng tiêu dùng và có xu hướng ưa thích các sản phẩm cá tra của Việt Nam như các nước Đông Âu cũ, hoặc Bắc Âu như Thụy Điển, Luxembourg, Bulgaria, Slovenia, Romania, Estonia, Australia, Hungary, Slovakia, Anh. Các hỗ trợ về xúc tiến thương mại của Nhà nước thay vì tập trung vào các thị trường lớn đã bão hòa hoặc có xu hướng suy giảm, nên chú trọng vào các thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng, thông tin doanh nghiệp nhập khẩu, kênh phân phối... kết hợp với các chương trình quảng bá sản phẩm Việt Nam có tính chiến lược lâu dài.

Nguồn: InfoTV