Tổng cục Thống kê: Doanh nghiệp chưa tự tin khi hội nhập
29/08/2016 18Trong số các doanh nghiệp (DN) được khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn tỏ ra khá tự ti về năng lực cạnh tranh của mình.
Cụ thể theo một khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố trên trang web của mình (vào ngày 25-8), chỉ có 31,8% doanh nghiệp tự tin cho rằng doanh nghiệp hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ (27,5% doanh nghiệp đánh giá tương đối mạnh, 4,3% đánh giá rất mạnh).
Về khả năng quản lý của doanh nghiệp, cũng chỉ có 26,4% doanh nghiệp đánh giá mạnh và rất mạnh (22,8% đánh giá mạnh, 3,6% đánh giá rất mạnh).
Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp tương đối mạnh và rất mạnh.
Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% doanh nghiệp cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, về chiến lược nắm bắt cơ hội từ hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến tập trung vào ba lĩnh vực chính: nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới.
Sự quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế là việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp đều cho rằng, đây là yếu tố cốt yếu quyết định đến hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững.
Có tới 75,1% số doanh nghiệp cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm là chiến lược được ưu tiên hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện tại do còn nhiều bất cập về chất lượng sản phẩm so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên phần lớn các doanh nghiệp trong nước đều dự kiến có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tham gia hội nhập quốc tế hiệu quả hơn.
Máy móc thiết bị, công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có công nghệ thấp, nhưng cũng chỉ có 43,9% số doanh nghiệp dự kiến có chiến lược đầu tư, nâng cấp công nghệ trong thời gian tới.
Trong số các doanh nghiệp được hỏi, có tới 94,5% doanh nghiệp cho biết, họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia, và chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến bất kỳ hiệp định nào.
Trong tổng số các doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại, 86,9% số doanh nghiệp nắm bắt được qua kênh truyền thông; 16,3% doanh nghiệp biết qua hiệp hội; 15% doanh nghiệp biết qua cơ quan quản lý nhà nước; và 10,8% doanh nghiệp biết qua đối tác kinh doanh.
Cũng theo báo cáo của TCTK, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp được hỏi biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83,8% (16,2% không biết); tiếp đến là Hiệp định TPP 82,2% (16,8% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66,8% (33,2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu 64,1% (35,9% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc 62,7% (37,3% không biết).
Theo đánh giá chung của TCTK, trong hơn 3.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có gần 84% doanh nghiệp ủng hộ các hiệp định thương mại, (trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ; có 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng), có 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, có 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến, chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ ủng hộ hội nhập quốc tế cao nhất với 92%; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 83,5%; và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 83%.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
- Ông Trump bác tuyên bố của Trung Quốc về việc không có đàm phán thương mại
- Trung Quốc bác bỏ tin đồn đàm phán thương mại với Mỹ
- Ông Trump dọa áp lại thuế đối ứng sau 2-3 tuần nữa
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
- Mỹ đánh giá cuộc điện đàm về thuế quan với Việt Nam là hiệu quả