Đại sứ EU, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia FDI hàng đầu đã đưa ra thông điệp như trên nhằm trấn an giới làm ăn kinh doanh nhân sự kiện Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit).
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 28-6 về ảnh hưởng có thể có của sự kiện Brexit tới thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam (VN), Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định, việc ký kết hiệp định tự do (FTA) EU-VN sẽ diễn ra thời gian tới “như lịch trình”.
Ông nói: “Về cá nhân, tôi khẳng định rằng FTA mà chúng ta đang có chắc chắn sẽ mang lại mối quan tâm lớn hơn nữa của cộng đồng đầu tư trong EU khi muốn làm ăn với Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn của Việt Nam để chúng tôi tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư. Tôi và các đồng sự luôn nỗ lực hết mình đầu tư của EU vào Việt Nam trong thời gian tới. Hi vọng việc ký kết sẽ diễn ra thời gian tới như lịch trình”.
Theo đại sứ, về đầu tư thì EU vẫn đang đứng thứ 3 trong các quốc gia cam kết đầu tư vào VN năm 2015; về thương mại Việt Nam đang là quốc gia số 1 trong ASEAN xuất khẩu vào Châu Âu.
“Chúng ta đều thấy dòng thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam phát triển rất tích cực… Tuy nhiên, tác động của Brexit thì chúng tôi không thể đưa ra nhận định chính xác”, ông nói.
Ông bổ sung thêm, hiệp định FTA song phương vẫn đang được hai phía rà soát, biên dịch. “EU và Bộ Công Thương sẽ làm việc với nhau theo đúng lịch trình hai bên đưa ra”, ông nói.
“Hy vọng việc ký kết FTA sẽ diễn ra năm tới để đến đầu 2018 đi vào thực thi như lộ trình”, đại sứ nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo, sự kiện Brexit chưa tác động nhiều tới Việt Nam. Trả lời câu hỏi về sự kiện Brexit của đại diện tập đoàn KPMG tại diễn đàn Đối thoại chính sách đầu tư năm 2016 tại Hà Nội, ông Dũng nói: “Anh quốc chưa phải là đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam về thương mại và đầu tư, cho nên việc Anh rời EU chưa tác động ngay và không lớn với kinh tế Việt Nam”.
Ông Dũng cho biết, trong dài hạn Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ những tác động gián tiếp. Ông nói: “Ví dụ, sự kiện Brexit ảnh hưởng giá trị đồng tiền của các nước đang là bạn hàng lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tác động của Anh với các nước đó sẽ tác động tới Việt Nam, chứ không phải trực tiếp từ Anh”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) ông Nguyễn Mại cho biết thêm, vốn FDI của Anh vào Việt Nam đạt 4,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 1,5% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam; và 50% vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam là bất động sản. Ông nói: “Con số đó nói lên rằng Brexit không có tác động nhiều đến đầu tư".
Về thương mại, trong nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh chỉ hơn 1% tổng kim ngạch thương mại cả nước. “Vì vậy, dù Anh quốc rời EU, Anh không tham gia vào các cơ chế FTA giữa Việt Nam và EU thì thị trường Anh cũng không có nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam", ông Mại khẳng định.
"Đây là vấn đề đặt ra cho Cộng đồng ASEAN, việc người ta quan tâm chính là làm sao tạo lập được sự đồng tình, nhất trí trong các chính sách liên quan đến kinh tế như: pháp luật, thuế và cơ chế hành chính giữa các nước ASEAN, để không xảy ra "Brexit ASEAN" như kiểu của Anh tại EU", ông Mại nói thêm.
Nguồn: Báo Kinh tế Sài Gòn online
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc