Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các DN nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được coi là ”tấm vé” để các doanh Việt tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và EU.
Tại “Diễn đàn Doanh nhân Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”được VCCI phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 23/6, ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với gần như tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
80% kim ngạch thương mại đi theo đường FTA
Theo ông Tùng, một khi những hiệp định này đi vào hiệu lực, khoảng 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của các hiệp định này. Chỉ còn khoảng 20% còn lại là nằm ngoài các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
“Có thể nói rằng xu hướng xuất nhập khẩu sắp tới của Việt Nam sẽ được điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại tự do” – ông Tùng nói và nhấn mạnh rằng khoảng 65% các mặt hàng sẽ có mức thuế là 0% ngay sau khi các hiệp định thế hệ mới có hiệu lực.
Điều đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được Việt Nam ký kết đều là với các đối tác lớn như Mỹ và Châu Âu. Trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ các nước Đông Á, ông Tùng cho rằng, các hiệp định thế hệ mới sẽ giúp cân bằng lại cán cân thương mại do lượng xuất khẩu vào các nước như Mỹ và các nước EU sẽ tăng.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi các cam kết hiện tại trong các hiệp định mới đều ở phạm vi rất toàn diện. Cụ thể hơn, như lời ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không chỉ là mở cửa về thương mại mà các hiệp định mới đều có các cam kết rất rộng về mở cửa thị trường và loại bỏ các rào cản hoặc điều kiện đầu tư.
“Về cơ bản những nguyên tắc này không phải gì đó quá mới, nhưng với Việt Nam đây là lần đầu tiên ta xây dựng bản chào thị trường minh bạch và toàn diện. Cam kết đầu tư như vậy sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam” – ông Phương nhấn mạnh
Ông Hoàng Quang Phòng -Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những hiệp định ký kết mở ra cho Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát triển.
“Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết đã tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Thị trường trong nước dồi dào, phong phú các sản phẩm ngoại nhập; đồng thời, các hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới” – ông Phòng nói.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có tám FTA đã có hiệu lực là Hiệp định thương mại tự do ASEAN và năm hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Có hai hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu và hai hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cuộc chơi của DN
Có thể nói, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể được coi như là tấm vé để các DN trong nước tiến vào các thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu thuận lợi hơn. Nhưng dùng tấm vé như thế nào thì lại là do chính các DN.
Theo ông Tùng, các DN trong nước cần hình thành một thói quen khi làm ăn ở bất cứ thị trường nào cũng cần phải tìm hiểu các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với thị trường đó. Bởi với 12 hiệp định đã ký kết và đám phán bao phủ hết 55 quốc gia trên thế giới.
“Trên thực tế các FTA đều có mối quan hệ đan xen và ràng buộc lẫn nhau” – ông Tùng đồng thời cảnh báo các DN trong nước để tận dụng tốt được các hiệp định cần phải chú ý đến nhiều tiêu chuẩn khác nữa như vấn đề lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ thay vì chỉ chú ý đến thuế quan.
Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, các DN trong nước cần quan tâm nhiều đến vấn đề xúc tiến thương mại, điều mà nhiều DN vẫn còn bỏ qua. Vì đó là cách tốt nhất để các DN quảng bá và mở rộng thị trường ra bên ngoài.
“Chúng ta có câu hữu xạ tự nhiên hương, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, có hữu xạ thật nhưng lại chỉ ngồi trong phòng thì không ai biết đến cả. DN nước ngoài họ cũng hữu xạ nhưng lại biết quảng bá tốt hơn ta nhiều” – ông Sơn ví von khi đề cập đến vấn đề nhiều DN nghĩ mình đã tốt mà bỏ qua quá trình đi xúc tiến ở những thị trường đã tham gia hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Và nếu như DN Việt vẫn chỉ nghĩ đến thị trường trong nước và bỏ qua thị trường nước ngoài, ông Sơn cho rằng đó là sự lãng phí của các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã phải bỏ công sức ra đàm phán trong nhiều năm qua.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc