Cam kết về mua sắm Chính phủ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những nội dung rất quan trọng. Theo đó, nguyên tắc chính của nội dung này là không có sự phân biệt đối xử giữa các nhà thầu trong TPP với nhau.

Thách thức và cơ hội

TPP quy định, 12 nước thành viên đều phải cam kết minh bạch hóa trong mua sắm công (mua sắm Chính phủ). Các nước không được phân biệt đối xử, không ưu đãi hàng hóa và dịch vụ của nhà thầu nội. Trong trường hợp mua sắm Chính phủ áp dụng chỉ định thầu, hình thức này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đặc biệt, có báo cáo giải trình lý do chỉ định, đơn vị chỉ định thầu phải có số lượng từ 2-3 đơn vị... TPP cũng khuyến khích hình thức đấu thầu qua mạng để tạo sự công bằng, minh bạch thông tin và kết quả đấu thầu.

Các chuyên gia cho rằng, thực hiện cam kết mua sắm Chính phủ trong TPP sẽ có tác động tích cực đến thị trường mua sắm Chính phủ tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đã đàm phán được lộ trình tương đối dài, mở cửa từ từ, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ giúp nhà thầu “thích nghi” với bối cảnh mới. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu nhà thầu trong nước vẫn “ì ạch”, không chịu vươn lên và chỉ chờ đợi, dựa dẫm vào các “quan hệ” thì thách thức đối với họ trong bối cảnh hội nhập rất lớn.

Phát biểu tại Hội thảo “Cam kết về mua sắm Chính phủ trong TPP” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - cho biết: Áp dụng đúng theo TPP trong mua sắm công tính minh bạch rất cao. Đây vừa là khó khăn, cũng là cơ hội bởi nếu chúng ta thực hiện được theo đúng cam kết, giá trị của TPP mang đến cho Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa. Hơn nữa, để đáp ứng tiêu chuẩn TPP, nhà thầu trong nước rất vất vả để khẳng định mình. Tuy nhiên, nếu vượt qua được, đây là cơ hội để nhà thầu nội phát triển.

Bên cạnh thúc đẩy sự phát triển của nhà thầu trong nước, áp dụng theo đúng tinh thần TPP, hoạt động mua sắm Chính phủ sẽ được minh bạch, giảm tham nhũng, lãng phí, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế... đây cũng là điều mà Chính phủ và mọi người dân Việt Nam đang hướng tới.

Xây dựng nguyên tắc chung

Cam kết TPP trong mua sắm Chính phủ đang tạo cơ hội rất lớn cho nhà thầu trong nước và sự minh bạch trong mua sắm công tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Jean Heilman Grier - chuyên gia tư vấn quốc tế về mua sắm công - cho rằng, việc tiếp cận thị trường mua sắm Chính phủ theo cam kết TPP của nhà thầu Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế. Để khắc phục được “điểm yếu” này, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những yêu cầu và nguyên tắc chung nhất, hướng dẫn cụ thể thông qua các văn bản dưới luật, đồng thời, cần chi tiết hóa các yêu cầu về đấu thầu, đơn cử như các cam kết quốc tế về đấu thầu và thông tin rộng rãi đến công chúng.

Ngoài xây dựng nguyên tắc chung, nhiều ý kiến tại Hội thảo “Cam kết về mua sắm Chính phủ trong TPP” cũng đề xuất, Việt Nam cần sửa đổi Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo đó, tập trung vào các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phổ biến rộng rãi cam kết mua sắm Chính phủ trong TPP. Đặc biệt, tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ làm đấu thầu, nhằm tăng tính minh bạch, tránh mâu thuẫn lợi ích và phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Nguồn: Báo điện tử Công thương