Hội nhập để tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho nền kinh tế trong nước, nhưng thực tế mấy năm gần đây chỉ thấy khu vực DN FDI tận dụng được để tăng trưởng kim ngạch và tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu cả nước. 

Cuộc chơi hội nhập đang ghi dấu ấn bằng những chuyển dịch mới. Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, thị trường ô tô nhập khẩu của Việt Nam đang chứng kiến sự “lên ngôi” nhanh chóng của một số đối tác ASEAN như Thái Lan và Indonesia.

Trong quý I năm ngoái, các vị trí thống lĩnh về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam vẫn là Hàn Quốc và Trung Quốc, Thái Lan chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên sang quý I năm nay, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc và Trung Quốc giảm lần lượt 55% và 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số tương ứng của Thái Lan là tăng 76,8%. Hiện tại, Thái Lan là nhà xuất khẩu hàng đầu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam, tính cả về lượng và giá trị.

Sự “soán ngôi” của các nhà xuất khẩu ASEAN nêu trên có lý do cơ bản là giá sản phẩm khá cạnh tranh, cùng với thuế suất giảm theo các cam kết hội nhập. Từ đầu năm nay, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các thị trường khu vực ASEAN vào Việt Nam chỉ còn 40%, thay cho mức 50% trước đó.

Triển vọng trước mắt còn tích cực hơn nữa khi thuế suất theo cam kết còn 30% vào năm tới, xuống 0% vào năm 2018. Thái Lan, Indonesia… đang là những đối tác xuất khẩu ô tô vào Việt Nam được hưởng lợi. Tuy nhiên, nó cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế trong nước.

Khi “dòng tiền thông minh” bắt kịp những thay đổi về chính sách thuế, sức ép đang đè lên cơ quan quản lý ngân sách. Các cam kết hội nhập mạnh mẽ chắc chắn sẽ làm giảm mạnh nguồn thu từ thuế nhập khẩu, trong bối cảnh thu từ dầu thô còn khó khăn, thì phần “gánh vác” ngân sách đang chuyển hướng dần sang thu nội địa.

Thực tế mấy năm nay là như vậy. Trong khi, tương quan giữa tăng trưởng và thu ngân sách vẫn ghi nhận một tỷ lệ khá lớn. Vào năm ngoái, số thu ngân sách ước tính được Bộ Tài chính công bố lên tới 957 nghìn tỷ đồng, tương đương với 22,8% GDP thực tế mà Tổng cục Thống kê ước tính cho cùng thời kỳ. Nền sản xuất trong nước dường như đang phải gánh chịu tình trạng thuế khóa khá ngặt nghèo, bất chấp các cam kết giảm thuế được tuyên bố. Chi phí không chính thức vẫn rất phổ biến.

Hội nhập để tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho nền kinh tế trong nước, nhưng thực tế mấy năm gần đây chỉ thấy khu vực DN FDI tận dụng được để tăng trưởng kim ngạch và tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu cả nước. Trước sự lấn lướt của các DN nước ngoài, nó đặt ra vấn đề rằng, liệu hội nhập có “làm khó” cho khu vực kinh tế trong nước, bao gồm các DNNN đang trong quá trình triển khai mạnh mẽ chủ trương tái cơ cấu và khối DN tư nhân nhỏ bé, yếu ớt?

Hàng trăm nghìn DN đã phải tuyên bố phá sản, giải thể, ngừng hoạt động trong mấy năm gần đây, và nó vẫn được cho là “chuyện bình thường”. Nhưng không ai tìm hiểu thêm là tại sao từ một nền kinh tế cứ mở DN là thắng lại đang chuyển sang “chế độ” thui chột các ý tưởng kinh doanh như thế?

Trong ít năm trở lại đây, giá xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ đạo của Việt Nam đã về rất gần với giá thành, đem lại ít hơn lợi nhuận cho người sản xuất và nhà kinh doanh. Giá nông sản thì trồi sụt, nhiều sản phẩm công nghiệp đứng trước các cáo buộc bán phá giá, hàng loạt các sản phẩm xuất khẩu khác gắn được với chuỗi sản xuất toàn cầu như đồ điện tử, máy tính, điện thoại… lại chỉ có một phần nhỏ giá trị trong nước.

Một nền kinh tế suốt nhiều năm mở cửa và hội nhập vẫn loanh quanh với gia công, xuất thô nông sản và khoáng sản, không thoát ra được lối mòn và tiến tới những bậc thang mới.

Đã đến lúc đặt vấn đề thuế như là một công cụ để thúc đẩy năng lực sản xuất nội tại, chứ không chỉ đơn thuần tạo lợi ích cho các đối tác nước ngoài vào khai thác thị trường nội địa. Lợi ích đem lại cho người dân và DN đã quá mỏng, khả năng kích thích tăng sản lượng cũng đến lúc khó khăn, thì liệu mong chờ gì ở việc tăng lượng hàng đánh thuế để bù thuế suất giảm?

Nguồn: Thời báo Ngân hàng