Doanh nghiệp (DN) phải sẵn sàng tâm, thế; vượt qua áp lực cạnh tranh bằng cả thực lực và cơ chế, chính sách của nhà nước để hội nhập. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại diễn đàn CEO “Nâng cao tâm và thế cho DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Doanh nghiệp nội còn yếu

Theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, kinh tế trong nước năm qua có nhiều điểm tích cực nhưng không thể yên tâm vì còn nhiều vấn đề lâu dài và cấp bách. Vì vậy, nền tảng vĩ mô và thực lực DN cần phải làm nhiều hơn để có trạng thái tốt nhất khi bước vào hội nhập.

Thực lực của DN - vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế và diễn giả quan tâm tại diễn đàn CEO lần này. Muốn có nền kinh tế mạnh, DN phải thực sự mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vẫn đang dựa rất lớn vào khối DN FDI và nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong khi sức mạnh nội tại của DN nội còn khá yếu.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen - băn khoăn: Nền kinh tế Việt Nam đang có  sự mất cân đối, phát triển không đồng đều giữa DN FDI  và DN trong nước.

 Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - cho rằng, lâu nay chúng ta đang có chính sách ưu đãi cho DN nước ngoài, DN nhà nước. “Chính sách khuyến khích thu hút DN FDI là cần thiết nhưng cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nếu không sẽ tồn tại nguy cơ 2 nền kinh tế trong một quốc gia bởi DN Việt còn nhỏ, yếu và chưa liên kết được với DN FDI”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh. Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) – nhận xét: Việc kết nối giữa hai khối DN FDI và DN trong nước còn nhiều hạn chế. Do đó, phải có giải pháp để hai khối DN có nhiều tiếng nói chung, kết nối chặt chẽ, cạnh tranh mang tính hỗ trợ, xây dựng, phát triển.

Cơ hội phải trở thành chính sách cụ thể

TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng, chúng ta bàn về hội nhập, nói đến thách thức, cơ hội nhiều nhưng dường như chỉ kể và dừng lại đó mà không biến thành áp lực cho bộ máy nhà nước. “Phải có áp lực để biến cơ hội thành chính sách, giúp DN tận dụng được. Nếu bộ máy không làm được phải chịu trách nhiệm”, TS. Trần Đình Thiên kiến nghị.

Những thay đổi cụ thể cần được  triển khai ngay, theo như ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan, không chỉ giảm số giờ làm thủ tục mà cần thay đổi cung cách phục vụ hành chính, tạo môi trường hướng nội, cơ chế mới, động lực mới để có những DN “đầu đàn” dẫn dắt DN mới. Ông Lê Phước Vũ chia sẻ thêm: “Chúng ta đang mở cửa rộng nhưng lại đi sau, nếu muốn đuổi kịp thì phải cải cách”.

TS. Trần Du Lịch kiến nghị: Bước vào hội nhập Việt Nam cần phải tạo được môi trường đầu tư kinh doanh nuôi dưỡng DN để DN có thể phát triển, cạnh tranh lớn mạnh, chứ ko phải èo uột như hiện nay.

Nguồn: Báo điện tử Công thương