Tại Hội thảo hội thảo “Kết nối cộng đồng doanh nghiệp khối TPP”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, doanh nghiệp muốn “bơi ra biển lớn” thì phải xem chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố cạnh tranh hàng đầu. Trong đó doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị chất lượng, ổn định nguồn cung và tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.

Đồng quan điểm đó, các chuyên gia tại hội thảo đều nhấn mạnh doanh nghiệp không nên dừng lại ở việc quan tâm về vấn đề miễn giảm thuế quan quá nhiều mà cần chú trọng đến cơ hội tiếp cận thị trường, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đánh giá của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngoài những cơ hội lớn mà TPP mang lại như tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và nâng cao tính minh bạch, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các thách thức đáng kể như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế bởi có đến 96% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết ở quy mô gia đình. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nội địa chỉ tận dụng được khoảng 30% các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại (FTAs) mang lại.

Ông Minh Phạm, chuyên gia kinh tế, Ban Quản lý Sàn giao dịch thương mại điện tử Nocndeal cho hay: Hầu hết doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu đều phải mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở đầu mối tại các nước. Do đó, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu luật pháp, thủ tục hành chính của nước sở tại, gây tốn kém về tài chính và thời gian. Cũng vì lý do này, mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực để phát triển thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tại nhiều thị trường xuất khẩu.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết: TPP được nhắc đến nhiều bao gồm các cơ hội và thách thức, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại rất mơ hồ trong việc xác định phải làm gì để có thể nắm bắt các cơ hội. Trong khi, cạnh tranh càng lớn thì doanh nghiệp càng thu mình lại.

Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng: doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có nhận thức đầy đủ về những nội dung cam kết trong TPP. Điều này giúp doanh nghiệp có thể xây dựng được lộ trình cho riêng mình: Từ việc lựa chọn thị trường đến việc áp dụng công nghệ nào cho phù hợp, tạo nguồn lực như thế nào; lộ trình phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm sớm thích nghi và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, TPP không chỉ tác động đến thương mại, đầu tư, mà còn bao gồm chính sách, luật pháp…

“Chính phủ các nước thành viên TPP phải xây dựng và điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp, để vừa thu hút nguồn đầu tư, phát huy lợi thế cạnh tranh; vừa bảo vệ được thị trường nội địa thông qua các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, cả Chính phủ và doanh nghiệp các nước thành viên TPP đều phải tích cực chuẩn bị cho những cơ hội cũng như thách thức từ Hiệp định này”, ông Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Nhà báo và Công luận