Đó là khuyến nghị từ Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 (AFCDM+3 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM20) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN diễn ra từ ngày 1-4/4 tại Viêng Chăn - Lào.

Cải cách để thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); thúc đẩy Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) là những nội dung đã được các đại biểu tham dự AFCDM+3 khuyến nghị khi thảo luận về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và khu vực, kiểm điểm việc triển khai thực hiện các sáng kiến hợp tác tài chính trong khu vực ASEAN+3.

Tại AFCDM+3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năm 2016 tăng trưởng khoảng 4,3% (năm 2015 là 4%). Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2016 ở mức 6%, trong đó khu vực ASEAN tăng 5,7%, các nước ASEAN+3 là 4,3%, Việt Nam ở mức 6,7%.

Tuy nhiên, Văn phòng Giám sát kinh tế vĩ mô (AMRO), IMF và ADB cũng khuyến nghị: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn sẽ tác động nhiều đến việc xuất khẩu của các nước ASEAN sang thị trường này. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách lãi suất của Hoa Kỳ, biến động tỷ giá đồng Yên (Nhật Bản)... cũng đã có tác động đến luân chuyển dòng vốn giữa các nước trong ASEAN+3. Vì vậy, chính sách trung và dài hạn các nước cần phải tập trung vào cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh... để thu hút đầu tư cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Các Đại biểu AFCDM+3 ghi nhận những kết quả thực hiện CMIM trong giai đoạn vừa qua không xảy ra khủng hoảng, trong đó có việc vận hành thử nghiệm hệ thống, mở tài khoản chéo tại các ngân hàng trung ương...; đồng thời ghi nhận các chỉ số đánh giá chính sách tài khóa và tiền tệ các nước trong khu vực của AMRO dựa trên ma trận giám sát kinh tế vĩ mô (ERPD Matrix) để đánh giá tình hình kinh tế của các nước thành viên, phục vụ cho các phiên đối thoại kiểm điểm kinh tế và xem xét khi một nước thành viên muốn vay để ngăn ngừa khủng hoảng.

Với mục tiêu thúc đẩy các thị trường trái phiếu phát triển và hướng tới một thị trường trái phiếu khu vực dễ tiếp cận hơn cho các nhà phát hành và đầu tư, ABMI đã được triển khai trong giai đoạn 2012-2015, các Đại biểu AFCDM+3 thống nhất rằng, điều này đã đáp ứng được nhu cầu của các nước thành viên, phù hợp với mục tiêu chung. Trên cơ sở đó, AFCDM+3 đã đề nghị một lộ trình ABMI trong trung hạn (2016-2020) theo hướng tiếp tục thúc đẩy thị trường trái phiếu đồng nội tệ nhằm ổn định tài chính, đáp ứng nhu cầu đầu tư trong khu vực thông qua tăng cường sử dụng trái phiếu đồng nội tệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà đất và cơ sở hạ tầng.

Nguồn: Báo điện tử Công thương