Sức ép đối với đồng nhân dân tệ đã dịu đi trong hai tháng vừa qua, khi cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung euro trở thành tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đang gây sức ép trong việc áp dụng các hình thức xử phạt đối với “người khổng lồ” châu Á... 

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner lại tuyên bố rằng, sự định giá thấp đồng nhân dân tệ cản trở tới việc tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu và tuyên bố rằng: “Những hậu quả do tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gây ra đã lan rộng và vượt xa biên giới của Trung Quốc, và  sự kiên nhẫn của Mỹ với chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang dần “vượt khỏi tầm kiểm soát”. Trong khi đó, Trung Quốc lại lên tiếng yêu cầu Mỹ không đổ lỗi cho nước khác về những rắc rối của nền kinh tế Mỹ nhằm đáp trả việc các nhà lập pháp Mỹ muốn đưa ra điều luật trừng phạt Bắc Kinh về chính sách nhân dân tệ, dự tính sẽ được công bố vào cuối tháng 6/2010. 

Ngày 14/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Chúng tôi hy vọng các chính trị gia Mỹ sẽ nghiêm túc nghĩ cách cơ bản giải quyết vấn đề của nền kinh tế hơn là lúc nào cũng đổ lỗi cho người khác”.

Theo đó, đồng nhân dân tệ như Trung Quốc nói thực chất đang được định giá cao, chứ không thấp như Washington vẫn phàn nàn, một tờ báo của Nhà nước Trung Quốc nhận định hôm 16/6. Bài báo đã tăng thêm tiếng nói cho Bắc Kinh phản đối Mỹ trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Trung Quốc đã phải chịu áp lực từ Washington trong việc đổi mới tiền tệ, nới lỏng kiểm soát đối với tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, tỷ giá mà nhiều nhân vật trong Quốc hội Mỹ cho là bị định giá thấp và không công bằng cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

“Hiện nay, tỷ giá đồng nhân dân tệ không gặp bất kỳ vấn đề nào với việc định giá quá thấp, trái lại, có thể giá trị của nó cao hơn rất nhiều”, nhà kinh tế Xie Taifeng thuộc Đại học Kinh tế và mậu dịch Thủ đô tại Bắc Kinh cho biết. Theo đó,  giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 68,8% từ năm 1994, khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng tỷ giá ngoại tệ thống nhất. Trước đó, Trung Quốc hoạt động theo một hệ thống riêng biệt của đồng nhân dân tệ, đặc biệt đối với trao đổi nước ngoài và đối với người nước ngoài sử dụng đồng nhân dân tệ. Cũng trong thời gian đó, xuất khẩu hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc đã giúp Mỹ kiềm chế áp lực lạm phát. Như vậy, theo lý thuyết sức mua tương đương (PPP), tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la không cần phải định giá lại, thay vào đó chỉ cần trích khấu hao.

Ông Tần Cương cho biết: “Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có hàng loạt số liệu cho thấy nhân dân tệ không phải là nguyên nhân chính của sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đừng chính trị hóa nhân dân tệ”. Trong khi, các nhà lập pháp Mỹ đang có kế hoạch bắt đầu tiến hành hoạt động lập pháp trong hai tuần tới để trừng phạt Trung Quốc cho việc kìm giá đồng nhân dân tệ dưới mức cho phép so với đồng đô la nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Ông Geithner cho rằng, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn sẽ cho phép các nhân tố trên thị trường đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ông cho biết, các đối tác thương mại của Trung Quốc, đặc biệt các nền kinh tế đang phát triển đã được điều chỉnh nhằm duy trì khả năng cạnh tranh sau khi Trung Quốc từ chối định giá đồng nhân dân tệ theo giá thị trường.

Theo ông, do lo ngại đồng nhân dân tệ thấp sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh, nhiều thị trường mới nổi đã can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm chống lại áp lực lên tỷ giá hối đoái của họ.

Đáp lại áp lực từ phía Tổng thống Mỹ Barack Obama, hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết rằng, Bắc Kinh sẽ cải cách tỷ giá hối đoái song việc điều chỉnh chính sách sẽ theo nhịp độ riêng của nước này.

Hôm 9/6, các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước thất bại của Tổng thống Obama trong việc thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc hành động và cho biết, họ sẽ tiến hành làm luật trong hai tuần tới để áp dụng trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc.

Nhưng ông Tần Cương đáp lại, việc định giá lại nhân dân tệ không giúp giải quyết những rắc rối mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra, trong đó có mức độ phình ngày càng lớn trong thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cho rằng, tỷ giá hối đoái là vấn đề chủ quyền của mỗi quốc gia,  Trung Quốc cần cải cách chế độ tỷ giá nhân dân tệ theo tốc độ riêng của mình.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam