(HQ Online)- Những hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư từ các nước. Ngoài ra, các hiệp định này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có lợi khi XK vào những thị trường lớn, trong đó các ngành được hưởng lợi nhiều là dệt may, giày dép, thủy sản.

Từ nước đi sau thành nước đi đầu về hội nhập

Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” do Ban Kinh tế Trung ương, Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 13-1, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ: Năm 2015 là năm thành công trong hội nhập, Việt Nam ký kết thêm 2 hiệp định là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Hải quan và kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – Liên minh châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: Trong số 10 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, ngoại trừ hiệp định với Ấn Độ, các hiệp định khác Việt Nam đều cam kết xóa bỏ thuế quan rất mạnh từ 88% dòng hàng trở lên, điều này cũng tác động rất lớn đến thương mại của Việt Nam. Tất nhiên việc xóa bỏ thuế quan sẽ được thực hiện theo lộ trình, không phải áp dụng ngay lập tức.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng: Những hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư từ các nước. Ví dụ, khi quá trình đàm phán TPP còn đang thực hiện, nhiều DN dệt may của Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam để đón cơ hội do TPP đem lại. Ngoài ra, các hiệp định này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có lợi khi XK vào những thị trường lớn, trong đó các ngành được hưởng lợi nhiều là dệt may, giày dép, thủy sản. Chẳng hạn hiện nay thuế NK hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn khá cao, ở mức 17,5%. Nhưng với TPP, 90% kim ngạch hàng hóa XK của Việt Nam vào thị trường này sẽ được hưởng thuế 0% hoặc giảm một nửa. Điều này sẽ có lợi cho DN Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng: Hội nhập là điểm sáng và là xu thế quan trọng tác động đến tăng trưởng Việt Nam năm 2016. Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, Việt Nam và Campuchia là có lợi nhất. Với các hiệp định khác, Việt Nam đã nâng tầm hội nhập quốc tế, không còn chỉ loanh quanh ở khu vực. Khi đó các ngành hưởng lợi sẽ là dệt may, thủy sản, cơ sở hạ tầng, logistics, bất động sản, sản phẩm thép và gỗ…

TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Với việc tham gia vào TPP, Việt Nam từ một nước luôn phải đi sau trở thành nước đi đầu.  Chúng ta đã trở thành 1 trong 12 quốc gia đặt ra cuộc chơi thay vì chấp nhận luật chơi như thời còn tham gia vào WTO.

Nhưng vị chuyên gia này cũng tỏ ra không hài lòng về mức độ quan tâm của cộng đồng đến những hiệp định. Ông Trần Kim Chung chia sẻ: Khi Việt Nam kết thúc đàm phán TPP, báo chí đăng tải hết. Nhưng khi công bố bản tóm tắt hiệp định TPP, số lượng người tham gia bình luận giảm 10 lần, còn khi đăng toàn văn hiệp định thì chỉ còn một vài nhà chuyên môn quan tâm. Đã bộ, ngành nào đặt ra kế hoạch phải làm gì khi hội nhập chưa? Chúng ta phải sẵn sàng để khi thông qua các hiệp định Việt Nam được lợi. Dường như chưa ai chuẩn bị gì cả.

Không dễ hưởng lợi

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, nếu không tận dụng được cơ hội của hội nhập, nó sẽ trôi qua rất nhanh, trở thành rào cản. Nếu DN trong nước cứ “bất động” thì hội nhập không phải cơ hội mà là tai hại.

Không lạc quan trước các ý kiến cho rằng dệt may là ngành hưởng lợi lớn từ hội nhập, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam bộc bạch: Những người trong ngành dệt may nhìn thận trọng hơn. Đúng là dệt may có cơ hội, nhưng để hưởng lợi không đơn giản chút nào. Hiệp định thương mại với EU yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, còn TPP yêu cầu từ sợi trở đi. Việt Nam XK dệt may đạt 27 tỷ USD nhưng 80% là gia công. Còn XK sản phẩm từ khâu thiết kế, chào bán hàng đến khâu cuối cùng là không đáng kể.

“Riêng mặt hàng vải, hiện nay ngành dệt may phải NK 80%, chủ yếu từ Trung Quốc 40%, Hàn Quốc 20%... Đó đều là từ các nước ngoài TPP. Tính ra, chỉ 5-9% sợi NK từ nội khối TPP. Nếu theo quy định xuất xứ chúng ta đâu hưởng lợi nhiều. Dĩ nhiên TPP không có hiệu lực ngay mà có độ trễ để chuẩn bị, nhưng giải quyết vấn đề này là bài toán nan giải” - ông Trương Văn Cẩm tỏ ra bi quan.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga thừa nhận: Mở cửa thị trường thì hàng hóa trong nước bị cạnh tranh, đây là điều không thể tránh khỏi nhưng cũng là động lực để DN trong nước nâng cao cạnh tranh, cải tổ sản xuất, cải tiến quản trị. Nhưng DN hiện chưa nhận thức đúng về hội nhập, chưa rõ lợi ích là gì. Có DN bảo thích, có DN lại lo không tồn tại được.  Chính phủ chỉ đi đàm phán mở cửa thị trường, nhưng làm thế nào tận dụng được cơ hội chỉ DN mới làm được, không ai làm thay được. Song để DN tự chủ động, xác định đường đi đúng đắn, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền đến từng ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng khẳng định: Để bảo hộ sản xuất trong nước, chúng ta không thể áp dụng các biện pháp “thô” như trước đây, áp dụng giấy phép NK vô tội vạ. Muốn bảo hộ sản xuất, hợp lý, hiệu quả là việc rất khó. Cho nên phải thiết kế chính sách bảo hộ tinh vi, vừa không vi phạm các cam kết vừa đảm bảo lợi ích DN.

Nguồn: Báo Hải Quan Online