(TBKTSG) - Có thể nói năm 2015 là năm được mùa hội nhập. Nhưng hội nhập sẽ không đơn giản dừng lại ở... nhập hội, mà là cuộc chơi kinh tế với những quy ước thị trường đầy đủ.

Cuộc chơi có quy ước

Chính vì thế mà ngay sau khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với EU, vị đại sứ trưởng Phái bộ Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam đã cho biết sẽ giúp Việt Nam cải thiện nền kinh tế để được EU công nhận là nền kinh tế thị trường theo tiêu chí của họ.

Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã tham gia đàm phán và kết thúc 14 hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với khoảng 55 nước, gồm hầu hết các nền kinh tế lớn toàn cầu (G20) và đỉnh cao là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam bị đối xử là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm kể từ khi tham gia (từ tháng 1-2007 đến 12-2018). Vấn đề là sau năm 2018, cái “vòng kim cô” kia có tự động mất đi? Câu trả lời có lẽ là không.

Không được công nhận là kinh tế thị trường, hoạt động xuất khẩu của ta sẽ khó trơn tru, dễ bị các rào cản kỹ thuật làm khó, đặc biệt là các biện pháp chống bán phá giá (anti-dumping). Thuế chống bán phá giá trung bình EU đang áp dụng trên giá trị hàng nhập khẩu là 17,1% (bình thường chỉ khoảng 4%), nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với 41,1% của Mỹ.

Có thể lấy trường hợp của Trung Quốc hiện nay để xem xét. Theo lộ trình gia nhập WTO, nước này bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 15 năm kể từ tháng 1-2001. Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuối 2015, các nền kinh tế lớn như Canada, EU, Mỹ... vẫn chưa công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Nhiều nguồn tin cho thấy họ sẽ chống lại việc WTO đương nhiên công nhận tư cách này sau năm 2016, bởi họ cho rằng tình trạng bao cấp, ưu đãi về vốn và các nguồn lực khác cho doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại. Thế nên nhiều mặt hàng Trung Quốc như sắt thép, hóa chất, nhựa, sợi quang, pa nô quang điện... vẫn bị các nước Âu-Mỹ đánh thuế bán phá giá. Tại Canada, có 18 mặt hàng nhập từ Trung Quốc bị đặt dưới sự kiểm soát phá giá. Khoảng 7,3% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào EU cũng đang chịu các biện pháp tương tự.

Có vẻ sốt ruột, mới đây Trung Quốc đã cố thuyết phục Canada nhìn nhận nền kinh tế của họ là thị trường trong quá trình đàm phán FTA giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế, chính giới, luật gia đã xem đây như sự dụ khị, chẳng khác miếng mồi mặc cả, không thể là điều kiện. John Curtis, nguyên kinh tế gia trưởng Bộ Ngoại giao Canada, nhận định “việc công nhận kinh tế thị trường là “vấn đề uy tín quốc gia” với Trung Quốc, nhưng việc này không đem lại sự thúc đẩy ý nghĩa nào với nền kinh tế nước này, nên đó chẳng phải điểm mấu chốt cần đặt ra trong đàm phán”. Còn bà Cyndee Todgham Cherniak, luật sư thương mại quốc tế tại Toronto, thì cho rằng “tuy điều khoản đối xử phi thị trường trong thỏa thuận gia nhập WTO với nền kinh tế Trung Quốc sẽ chấm dứt vào tháng 12-2016, điều này không nhất thiết có nghĩa các nước sẽ đương nhiên xem Trung Quốc là nền kinh tế thị trường”.

Nhìn chung, rất nhiều nhà kinh tế, cơ quan ngoại vụ, các hội đoàn và luật gia của Mỹ, EU và Canada hiện đang phản ứng mạnh về khả năng Trung Quốc đương nhiên được xem là nền kinh tế thị trường sau tháng 12-2016. Như vậy, khái niệm kinh tế thị trường trong khuôn khổ “chủ nghĩa xã hội có màu sắc Trung Quốc” phần nào đã làm khó cho mong muốn hội nhập sâu của nước này.

Kinh tế thị trường và... định hướng

Trở lại Việt Nam, chúng ta còn ba năm nữa là đủ 12 năm “bị” xem là nền kinh tế phi thị trường. Vậy điều gì Trung Quốc đang đối mặt có sẽ là của chúng ta trong vài năm tới? Rất có thể. Bởi, cũng như Trung Quốc, hiện EU, Mỹ, Canada, Mexico... vẫn xem kinh tế Việt Nam là phi thị trường. Chính vị đại diện Phái bộ EU khi phát biểu sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện nền kinh tế theo hướng thị trường cũng đã nói rõ là điều này không đồng nghĩa với việc công nhận. Việc họ nhìn nhận nước ta chỉ mới đạt một trong năm tiêu chí kinh tế thị trường theo EU (sau chín năm gia nhập WTO) có thể làm ta sốt ruột. Đáng suy nghĩ hơn, trong khi họ muốn giúp ta xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ, thì ở ta nền kinh tế lại được định hướng xã hội chủ nghĩa. Chút băn khoăn là ở đây.

Nếu hội nhập là cuộc chơi theo mô thức kinh tế thị trường đầy đủ thì, để được công nhận là thực thể kinh tế thị trường (MES - market economy status), nền kinh tế cần được định hướng theo các tiêu chí phổ biến. Các tiêu chí kinh tế thị trường có thể khác nhau tại các nước, chẳng hạn EU là 5, Canada 5, Mỹ có 6, nhưng đây chỉ là cách sắp xếp. Tinh thần chung gần như nhau, liên quan đến môi trường kinh doanh, vấn đề can thiệp và bao cấp của nhà nước, việc phân bổ nguồn lực và tình trạng sở hữu, bảo hộ và bảo vệ đầu tư, chuẩn mực kế toán, chính sách tiền tệ /hối đoái, lao động/tiền lương, luật lệ và tập quán hành xử...

Như vậy, có chăng nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu hai định hướng song hành? Đồng thời, giữa yêu cầu “định hướng theo tiêu chí thị trường phổ biến” phục vụ cho phát triển, cho cơm gạo, và việc “định hướng theo chủ nghĩa xã hội” một cách thuần lý, phục vụ cho lý tưởng trăm năm, có gì quan ngại? Câu trả lời là có. Và đây là điểm nghẽn có tên thể chế chưa tìm được lối ra.

Trước mắt có thể thấy, do bám theo “sợi chỉ đỏ” định hướng, không ít bài bản cũ mang sắc thái “chủ nghĩa” vẫn tồn tại trong quá trình ta hội nhập sâu vào một thế giới không nặng chủ nghĩa. Cụ thể, đó là vấn đề “thành phần kinh tế chủ đạo”, tình trạng phân bổ tài nguyên, nguồn lực, sở hữu đất đai... Những vấn đề không chỉ đụng chạm trực tiếp đến các yêu cầu định hướng hội nhập, mà ngay cả khu vực tư trong nước cũng bức xúc từ khi đổi mới.

Chỉ riêng khái niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, với sự phân cấp quản lý và cách “mua bán cái tài sản hữu hình chỉ có quyền sử dụng” ấy thôi đã kém lý giải, không thuyết phục. Nó tạo kẽ hở cho tệ ban phát, dễ có sự tùy tiện xà xẻo của cải toàn dân thành của riêng, là mầm mống gây bất công, tạo độ lệch lớn giàu nghèo trong xã hội. Sự tương thích và yêu cầu đồng bộ do vậy sẽ rất cần, bởi ta không thể xây nhà to, cao ốc hiện đại trên cái nền móng cũ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online