(DĐDN) – Hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới vừa kết thúc đàm phán như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) hay việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Có sự hứng khởi, lạc quan nhưng cũng có cảnh báo thận trọng. Hàng loạt những hội thảo được tổ chức dồn dập nhưng chưa làm cho DN hết được tâm lý băn khoăn rằng đằng sau những hiệp định phức tạp này là những gì? DN khai thác được gì?

Băn khoăn là hoàn toàn đúng vì quy tắc bí mật trong đàm phán và tính phức tạp của các hiệp định. Toàn bộ quá trình đàm phán được giữ bí mật, thỉnh thoảng có những rò rỉ, đồn đoán ra ngoài và DN, người dân không biết thực hư ra sao. Phức tạp riêng hiệp định TPP với quy mô 30 chương với hàng nghìn trang giấy, mặc dù đã công bố bản tiếng Anh sau kết thúc đàm phán nhưng hiện Việt Nam và các nước vẫn chưa thực hiện xong rà soát pháp lý, và chưa kịp công bố đầy đủ bản chính thức bằng tiếng Việt. Đọc và hiểu được nội dung đầy đủ các cam kết đặc biệt phức tạp này là một thách thức, không phải đối với DN mà ngay cả với các chuyên gia. Chắc cần phải có một thời gian tương đối dài để diễn dịch những ngôn ngữ phức tạp của hiệp định sang hình thức thân thiện hơn để DN hiểu được.

Thông tin là sống còn

Rõ ràng, thông tin từ các hiệp định thương mại là điều đầu tiên mà DN rất cần. DN cần tiếp cận ngay các nội dung cam kết TPP để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở đâu, điều kiện của chúng là gì, để từ đó xác định xem mình phải chuẩn bị gì để đáp ứng điều kiện hay hóa giải những thách thức.Chẳng hạn DN xuất khẩu, phải biết được dòng thuế nào được loại bỏ vào thị trường nào, điều kiện về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế là gì?Với DN sản xuất và tiêu thụ ở chính thị trường nội địa trong nước thì sẽ phải tìm kiếm xem sản phẩm có thể cạnh tranh với mình từ các nước TPP khi nào thì được vào Việt Nam mà không phải chịu thuế, lộ trình là thế nào để mình chủ động điều chỉnh sản xuất cho hợp lý….

Chính vì vậy việc không có đủ thông tin nên bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, không khai thác được những lợi ích mà hiệp định mang lại là một trong những thách thức lớn nhất khi thực hiện các hiệp định quan trọng này. Những cơ hội về kinh tế mà TPP hay các hiệp định thương mại khác mang lại là dành cho tất cả các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Sẽ thật đáng tiếc nếu các DN nước ngoài thì nhanh nhạy, am tường trong khi DN tư nhân trong nước thì bị động, loay hoay bỏ lỡ. Bước quan trọng tiếp sau để hiệp định đi vào cuộc sống phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị và hành động cụ thể của từng DN.

Tù mù và loáng thoáng

Thực tế thời gian qua, khác với sự chuẩn bị tích cực của các tập đoàn nước ngoài, các DN tư nhân trong nước bị động hơn. VCCI tiến hành 2 cuộc điều tra tương đối lớn để đánh giá mức độ tiếp cận thông tin và hiểu biết của DN về các hiệp định này.

Liên quan tới TPP, theo Báo cáo PCI 2014 điều tra giữa năm 2014 và công bố tháng 3 năm 2015, vẫn có khoảng 30% các DN không biết về việc Việt Nam đàm phán TPP, 70% các DN biết về Hiệp định này cũng chủ yếu là “có nghe nói tới” mà không hiểu biết sâu. Nhóm DN dân doanh tuy lạc quan nhất về TPP (66% ủng hộ việc Việt Nam đàm phán TPP) nhưng là nhóm chỉ biết sơ qua về đàm phán này. Còn với EVFTA, kết quả điều tra vào tháng 8 năm 2015 cho biết mặc dù có tới 82% các DN được điều tra đã biết về đàm phán EVFTA ở các mức độ khác nhau nhưng có tới gần 57% trong đó chỉ nghe nói tới mà không biết gì sâu hơn và số đã tìm hiểu kỹ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4%.

Đáng lo ngại là các kết quả từ điều tra cho thấy các DN Việt Nam dường như chưa chuẩn bị gì nhiều cho việc thực thi các FTA nói chung cũng như EVFTA nói riêng. Phần lớn các DN (63%) chưa có bất kỳ hành động chuẩn bị nào, dù nhỏ, để chuẩn bị cho việc thực thi các FTA trong tương lai. Đối với các DN đã có sự chuẩn bị, phần nhiều mới chỉ chuẩn bị “một chút”, và cũng phần nhiều tập trung vào những hoạt động dễ, ít tốn kém, chỉ đòi hỏi thái độ mở, chủ động tiếp nhận là chính (chủ yếu là tìm hiểu, tìm kiếm thông tin từ bên ngoài) mà chưa phải những hoạt động đòi hỏi những nỗ lực chủ động và nguồn lực thực sự từ bên trong (như đào tạo nhân lực, chuẩn bị nguồn lực, nghiên cứu để tham vấn chính sách…).

Chủ động và thân thiện hơn trong cung cấp thông tin

Điều gì khiến cho các DN đang ở tình trạng loáng thoáng, tù mù những thông tin hội nhập như vậy. Ngoài lý do chủ quan từ chính sự quan tâm của DN còn có nhiều lý do từ cơ chế cung cấp thông tin hiện nay.

Các cam kết, hiệp định được đăng tải toàn văn trên các website của các bộ, ngành là quá phức tạp, quá hàn lâm, khó hiểu với các DN; thậm chí vẫn có những Hiệp định, cam kết chưa từng được đăng tải, dù chỉ là đăng toàn văn (không có xử lý hay tóm tắt nào). Thông tin cung cấp qua các khóa đào tạo, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng thì chung chung, sơ sài, không đi vào cụ thể các lĩnh vực, khía cạnh mà DN quan tâm. Đối với những vướng mắc cụ thể về các vấn đề liên quan tới cam kết của DN thì không có một đơn vị hay đầu mối nào để giải đáp, hướng dẫn một cách chính thức. Thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng các DN Việt Nam chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại.

Chính vì thế cộng đồng DN đặc biệt mong mỏi tiếp sau việc tuyên bố hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại là một chiến lược thông tin bài bản về nội dung và tác động của các hiệp định thương mại. Cần các đơn vị đầu mối có thẩm quyền trong cung cấp thông tin, cần những hướng dẫn chi tiết dễ hiểu cho từng ngành, lĩnh vực cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn trong chiến lược thông tin này.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp