(TBKTSG Online) – Khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thuế quan sẽ hạ xuống, đồng thời các rào cản phi thuế sẽ được các nước dựng lên để bảo hộ thị trường nội địa. Hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các rào cản phi thuế.

Với việc ký kết một loạt thỏa thuận thương mại quan trọng trong năm 2015, gồm hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã hoàn tất hơn 40 hiệp định thương mại song phương, đa phương. Các hiệp định thương mại đã giảm mạnh rào cản thuế trên nhiều thị trường đối với hàng hóa Việt Nam; đồng thời các biện pháp phi thuế đã và đang trở thành công cụ chính trong thương mại quốc tế. Đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của các biện pháp này là các sản phẩm nông nghiệp.

TPP không mang lại nhiều lợi ích thuế quan cho Việt Nam

Ngày 5/10/2015, bộ trưởng của 12 nước tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaixia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) tuyên bố kết thúc đàm phán. Đáng chú ý là Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương với hầu hết các thành viên TPP, qua đó rào cản thuế với các đối tác này đã giảm mạnh từ trước khi Việt Nam tham gia TPP.

Thuế thương mại đối với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác ASEAN (Brunei, Malaysia và Singapore) hiện dao động từ 0 – 5%. Theo thỏa thuận đối tác thương mại giữa Việt Nam với Úc và New Zealand, ngoại trừ một số ngoại lệ (thuốc lá, rượu và một số sản phẩm thịt), đến năm 2018 tất cả rào cản thuế đối với Việt Nam sẽ được dỡ bỏ. Thỏa thuận đối tác thương mại giữa Việt Nam và Chile có hiệu lực từ năm 2014 cũng xóa bỏ hầu hết các dòng thuế đến năm 2024. Ngay cả với các đối tác ít dỡ bỏ rào cản hơn, thỏa thuận đối tác thương mại Việt Nam – Nhật Bản cũng xóa bỏ xấp xỉ 95% dòng thuế. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá TPP sẽ ít mang lại lợi ích tăng trưởng cho cà phê và cao su nhưng sẽ là cơ hội cho tinh bột sắn, hạt tiêu, các thực phẩm chế biến và mật ong.

Mặc dù ít mang lại các lợi ích về thuế quan, TPP rất chú trọng tới các biện pháp phi thuế, bao gồm quy tắc xuất xứ và các biện pháp kỹ thuật (vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, kiểm tra và chứng nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật), đồng thời nhấn mạnh về minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cho thấy các biện pháp phi thuế (non-tariff measurements – NTMs) sẽ trở thành công cụ bảo hộ chính trong thương mại quốc tế tới đây.

Cần khách quan nhận định rằng khi tham gia càng sâu vào thương mại toàn cầu, khả năng chịu thiệt hại kinh tế do hàng hóa bị trả về, bị cảnh báo tại các thị trường đích ngày càng cao do quy định về vệ sinh, kiểm dịch và tiêu chuẩn giữa các nước còn nhiều khác biệt. Sự đồng thuận về xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp đối với các sản phẩm, thiết lập quy trình dễ dàng hơn giúp các công ty tiếp cận thị trường vẫn chỉ nằm trên các văn bản ký kết. Theo thống kê của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), trong khi Việt Nam có 31 cảnh báo thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ (trong mỗi cảnh báo gồm nhiều lô hàng từ nhiều công ty khác nhau), con số này đối với Trung Quốc là 78, Thái Lan là 46, Ấn Độ là 54, Malaysia là 30, Indonesia là 31. 

Rào cản phi thuế không chỉ diễn ra tại nước bạn hàng

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, ngành nông sản – thực phẩm đặc biệt chịu tác động của các biện pháp phi thuế. Các sản phẩm nông sản thô và thực phẩm tươi chịu tác động mạnh nhất bởi các rào cản phi thuế khi khảo sát của tổ chức này trên 23 quốc gia cho thấy mức độ chịu ảnh hưởng của các nhà xuất khẩu là trên 60%; theo sau là thực phẩm chế biến với mức độ ảnh hưởng 55%.

Các rào cản phi thuế tác động lên doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn do doanh nghiệp càng nhỏ càng khó trang trải chi phí xuất khẩu (bao gồm chi phí liên quan đến các biện pháp kỹ thuật). Trong khi đó, doanh nghiệp càng lớn thì càng đa dạng sản phẩm nên khả năng có dòng sản phẩm vượt qua được các rào cản phi thuế cao hơn.

Đối với cả doanh nghiệp lớn cũng như vừa và nhỏ, tiếp cận thông tin về cơ hội xuất khẩu được xem là ưu tiên hàng đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản phi thuế. Trong khảo sát nói trên của ITC, chi phí liên quan đến tiếp cận thông tin về quy trình và thủ tục được đề cập thường xuyên hơn so với chi phí thực tế để vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Tuy vậy, cần nhấn mạnh là các rào cản phi thuế không chỉ hiện diện ở các thị trường đích mà diễn ra ngay trong nội địa các nước xuất khẩu. Các nút thắt cổ chai liên quan đến rào cản phi thuế nội địa phải kể đến vấn đề thiếu các cơ sở kiểm định và chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, thời gian kiểm định và chứng nhận kéo dài gây ra những tổn thất vô hình cho doanh nghiệp. Giải quyết các nút thắt cổ chai này được coi là “quả chín nơi cành thấp” (low-hanging fruit) trong kinh tế chính sách. Do vậy, trước khi đạt kết quả xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận tiêu chuẩn trùng lắp, đây cần được coi là các vấn đề cấn giải quyết trong ngắn hạn để thành công trong “thời của tự vệ phi thuế”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online