Không ngại TPP nếu...

29/12/2015    15

Sau 15 năm bị cấm nhập khẩu vì dịch bò điên, thịt bò Pháp đã có mặt trở lại tại thị trường Việt Nam. Cùng với thịt bò Úc, Nhật, Mỹ, thịt bò Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu đang được nhiều người tiêu dùng Việt săn tìm, một phần quan trọng là chất lượng cao, bảo đảm an toàn.

Người tiêu dùng Việt chắc chắn không phải không yêu mến hàng Việt và không “thương” những người nông dân nước mình. Họ mua chỉ bởi thịt bò Pháp đến Việt Nam giữa lúc thị trường thịt bò, lợn, gà của nông dân Việt đang... “có vấn đề” vì chất cấm trong chăn nuôi không thể kiểm soát nổi.

Đơn cử, vừa qua, người tiêu dùng bàng hoàng vì số lượng nguyên liệu salbutamol- chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi- được nhập khẩu lên tới 4,6 tấn trong 9 tháng đầu năm 2015, chưa kể 1,9 triệu bao các loại tân dược khác có hàm lượng salbutamol đã được đưa vào Việt Nam. Nhưng đó là số liệu của Tổng cục Hải quan. Còn Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)- đơn vị cơ quan trực tiếp cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol- khẳng định năm 2015 mới chỉ cấp phép nhập khẩu 3,5 tấn salbutamol.

Vậy, con số nào đúng? Đấy là chuyện quản lý nhà nước. Còn với các bác nông dân, chăn nuôi theo hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít vốn, thiếu kiến thức khoa học, việc kiểm soát chất cấm như là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thông tin đàm phán TPP vừa kết thúc, hàng loạt tiếng kêu lo lắng cho ngành nông nghiệp Việt Nam lại vang lên “thống thiết”. Lo cũng đúng thôi vì TPP sẽ mở rộng đường cho thịt gia súc, gia cầm, sữa, nông sản… nước ngoài vào Việt Nam.

Thế nhưng, trong “biển” quan ngại vẫn có lời khẳng định đầy tự tin của bầu Đức- Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL): “Tôi không ngại TPP”. Trang trại của HAGL hiện đang nuôi hơn 42.000 con bò thịt và 1.500 con bò sữa, tự tin sản phẩm của mình sẽ vào được bếp Việt, bởi HAGL đang phát triển mô hình chăn nuôi bò Australia theo hình thức đại công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại của Israel. Những nông trại của HAGL có quy mô lớn nhất nhì Đông Nam Á, có cơ chế giám sát, vận hành bằng thiết bị kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, đầu ra theo tiêu chuẩn.

Hóa ra, TPP không phải là “con ngáo ộp” với nông nghiệp và nông dân Việt nếu có sự tham gia tích cực, hiệu quả của doanh nghiệp. Chính sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp sẽ liên kết được các hộ nông dân, từ đó thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trong ngành chăn nuôi. Đó mới chính là tấm lá chắn bảo vệ hàng Việt, nông sản Việt trước áp lực từ bên ngoài thay vì kêu gọi “tình yêu” của người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử