Việt Nam có chậm công bố nội dung TPP?
03/11/2015 21TBKTSG Online – Những ai đang trông chờ nội dung chi tiết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các nước công bố ngày hôm nay (2-11) như thông tin trên các báo có lẽ sẽ thất vọng.
Báo Tuổi Trẻ xuất bản sáng nay dẫn lời ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), cho biết dự kiến hôm nay, 2-11, Việt Nam và các nước sẽ cùng công bố toàn văn TPP. Bản được trông chờ công bố này sẽ bao gồm thông tin chi tiết (đến từng mặt hàng cụ thể) về cam kết của các nước trong TPP.
Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái hôm nay 2-11 cho TBTKSG Online biết không có chuyện hôm nay, cũng như đầu tháng này, sẽ công bố nội dung chi tiết toàn văn TPP. Bởi vì, việc công bố này phải thống nhất giữa các nước chứ Việt Nam không thể tự công bố được.
New Zealand - nước mà các thành viên TPP nộp lưu chiểu văn bản hiệp định – sẽ là nước đầu tiên công bố nội dung toàn văn hiệp định TPP, sau đó các nước thành viên TPP sẽ đồng loạt đăng nội dung này lên trang web của mỗi nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nước vẫn chưa hoàn toàn thống nhất một số điểm nên khó có khả năng bản nội dung chi tiết này sẽ hoàn tất và được công bố vào đầu tháng 11-2015. Nhưng hi vọng việc công bố sẽ đến sớm, ông Thái nói.
Trong khi chờ bản chi tiết chính thức được công bố, các nước thành viên TPP cho đến nay đã công bố những thông tin cụ thể hơn so với bản tóm tắt được các nước công bố hôm 5-10 ngay sau khi đàm phán TPP kết thúc. Tại Việt Nam, đến thời điểm này, thông tin được Bộ Công Thương Việt Nam công bố chính thức chỉ dừng lại ở bản tóm tắt, mặc dù một vài thông tin cụ thể hơn cũng được Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - tiết lộ dần trong một số lần gặp gỡ báo chí, hay trong các hội nghị.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hôm 15-10 công bố trên website chính thức của mình bản tóm tắt về nội dung của TPP đối với hơn 20 sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp. Hay, Nhật Bản trong tháng 10-2015 cũng công bố kết quả đàm phán TPP về hàng nông nghiệp và công nghiệp (bằng tiếng Nhật). Úc cũng công bố tóm tắt nội dung đàm phán, tập trung vào từng nhóm hàng cụ thể kèm theo giá trị xuất, nhập khẩu các nhóm hàng này của Úc với các nước thành viên TPP. Những thông tin này được tổng hợp và đăng tải trên trang web của Trung tâm WTO (thuộc VCCI).
Việc công bố nội dung trong các hiệp định thương mại tự do có Việt Nam tham gia mặc dù được Bộ Công Thương Việt Nam nỗ lực cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn khá chậm so với các đối tác trong việc công bố các nội dung này.
Trước đó, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết vào ngày 5-5-2015, các thông tin về nội dung thoả thuận (có cả biểu thuế, bằng tiếng Anh) được Hàn Quốc công bố khá nhanh ngay sau khi hiệp định được ký kết, trong khi phía Việt Nam phải mất hơn một tháng sau (ngày 12-6) để công bố (bằng tiếng Việt), thay vì công bố ngay nội dung bằng tiếng Anh để doanh nghiệp nắm bắt như Hàn Quốc. Với hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu được ký kết vào ngày 29-5, Bộ Công Thương cũng công bố nội dung hơn một tháng sau đó (ngày 30-6-2015) (bản tiếng Việt).
Đường dẫn đến công bố của một số nước thành viên về cam kết mở cửa trong TPP được đăng tải trên trang web trungtamwto.vn
Xem thêm:
- Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố nội dung cam kết đối với 20 sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp.
- Nhật Bản công bố kết quả đàm phán TPP về hàng nông nghiệp, và công nghiệp (tiếng Nhật).
- Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc công bố một số kết quả đàm phán TPP.
- Tổng hợp một số cam kết về nông nghiệp trong TPP (có bảng so sánh cam kết mở cửa của từng nước TPP về các mặt hàng nông nghiệp).
Nguồn: TBKTSG Online
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc