Tác động của TPP
09/10/2015 35(TBKTSG) - TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ tạo ra những thay đổi nào đối với các hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết cũng như với các cường quốc thương mại?
Ngoài TPP, trên thế giới hiện có bảy hiệp định thương mại đa phương đang trong quá trình đàm phán để ký kết, trong đó nặng ký nhất là Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). TTIP được khởi động đàm phán cách đây hai năm và mang những tham vọng thậm chí vượt hơn cả TPP. TTIP tập hợp hai quyền lực kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba thương mại và gần một nửa GDP toàn cầu, được tính toán sẽ mang lại cho hai bên Mỹ và EU hơn 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, và tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Việc 12 nước thành viên TPP ký thỏa thuận giờ đây tạo ra một sức ép đáng kể lên TTIP. Marietje Schaake, một chuyên gia thương mại và là thành viên Nghị viện châu Âu, nhận định “Việc TPP hoàn tất nhắc nhở châu Âu rằng hoặc chúng tôi dẫn dắt các luật lệ và tiêu chuẩn toàn cầu cho thương mại, hoặc các nước khác sẽ đặt ra tiêu chuẩn của riêng họ”, ám chỉ đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Mỹ là nước viết luật lệ cho thương mại thế giới chứ không phải Trung Quốc, cũng như những lo ngại rằng với TPP, dòng chảy thương mại từ Mỹ sẽ chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương và gây thiệt hại cho EU.
Tuy nhiên, với EU, tác động trước mắt từ TPP có thể là tích cực, đặc biệt trong việc đẩy nhanh tốc độ đàm phán với Mỹ. Các vòng đàm phán gần đây đều bế tắc mà nguyên nhân chính, do phía EU đưa ra, là Mỹ đang muốn dồn sức cho TPP nên không chú tâm vào TTIP, cũng không muốn sớm đi sâu vào các lĩnh vực đàm phán gai góc như bảo hộ nông nghiệp, thực phẩm biến đổi gen hay bản quyền văn hóa.
Một góc độ khác, đó là ngoài Mỹ, thế đứng trong đàm phán của EU với các thành viên khác trong TPP giờ cũng sẽ ít nhiều thay đổi. Trong 12 nước TPP, EU đã có hiệp định tự do thương mại với Mexico, Singapore, Chile và Peru, đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Canada, Việt Nam, đang đàm phán với Mỹ, Nhật, Malaysia và có thể sắp mở đàm phán với Úc và New Zealand. “Giống như Mỹ, Nhật cũng chờ hoàn tất TPP mới đẩy mạnh đàm phán với EU vì họ có thế đứng mạnh hơn. TPP tạo ra sức ép, nhưng đôi khi bạn cần sức ép để công việc được hoàn tất” - Peter van Ham, chuyên gia từ Viện Chính sách Clingendael Institute của Hà Lan, nhận xét.
Khác với EU lo ngại về sự thiếu linh hoạt và cứng rắn từ các nhà đàm phán Mỹ, những cường quốc thương mại ở châu Á không tham gia TPP như Hàn Quốc hay Trung Quốc thì lo ngại những tác động trực tiếp từ hiệp định này. Theo một nghiên cứu cách đây không lâu của Viện chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP), nếu tham gia TPP thì sau 10 năm, GDP của Hàn Quốc có thể tăng 1,7-1,8%, trong khi nếu đứng ngoài TPP thì GDP nước này có thể giảm 0,12%. Cụ thể hơn, chỉ riêng trong công nghiệp chế biến, việc tham gia TPP có thể giúp Hàn Quốc tăng kim ngạch mỗi năm lên 200-300 triệu đô la Mỹ còn không tham gia sẽ mất 100 triệu đô la Mỹ. Quan trọng hơn, tính cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc có thể bị đe dọa.
Trước tác động đó, trên thực tế Chính phủ Hàn Quốc đã có những bước chuẩn bị âm thầm để có thể gia nhập TPP khi thích hợp. Hồi tháng 4-2015, Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc, Choi Kyung-hwan cho biết nước này đã có kế hoạch đàm phán với các thành viên TPP ngay khi thỏa thuận này được hoàn tất. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng vừa tổ chức “Diễn đàn chiến lược về TPP” để phân tích cụ thể những tác động của TPP đến nền kinh tế Hàn Quốc.
Dấu hỏi lớn nhất về tác động của TPP là với Trung Quốc, nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng đứng ngoài TPP. Khác với Hàn Quốc, kịch bản Trung Quốc có thể tham gia TPP trong tương lai là không khả thi trong trung hạn bởi các tính toán địa chính trị phía sau hiệp định này, bất chấp lời để ngỏ mới đây của Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe. Feng Wei, giáo sư Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận định “TPP sẽ cho phép tạo ra những chuỗi sản xuất dựa trên công nghệ Mỹ hay Nhật, nguồn lực của Úc và lao động của Việt Nam. Nó là chiến lược bao vây”. Nhưng ở khía cạnh khác, TPP cũng là một câu trả lời cho Alibaba hay Tencent, các tập đoàn Trung Quốc dựa vào một thị trường được bảo hộ lớn trong nước để tham vọng tấn công ra thế giới.
Nguồn: TBKTSG
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc