(TBKTSG Online) - Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán mới đây dự kiến sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

WB đánh giá, trong số những nước tham gia ký TPP hiện nay, Việt Nam - vốn là nền kinh tế có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất - lại có lợi thế so sánh độc đáo, đặc biệt là trong những ngành sản xuất có mức độ sử dụng lao động cao.

Bằng cách giúp tăng cường tiếp cận thị trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, TPP được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho hoạt động thương mại khi xuất khẩu Việt Nam được dự kiến sẽ thay thế một phần xuất khẩu đang ngày càng tăng của Trung Quốc sang thị trường các nước TPP, đặc biệt như Mỹ và Nhật Bản - xu hướng đã tồn tại ngay cả trước khi kết thúc đàm phán TPP.

TPP cũng kỳ vọng sẽ giúp gia tăng hơn nữa dòng vốn FDI để xây dựng năng lực xuất khẩu, bao gồm cả mảng sản xuất và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chịu những quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ví dụ như hàng dệt may.

Xét về tác động kinh tế , Ngân hàng Thế giới nhận xét, TPP có thể đóng góp tăng tới 8% vào GDP của Việt Nam, 17% vào kim ngạch xuất khẩu thực tế, và 12% vào trữ lượng vốn quốc gia trong vòng hai mươi năm tới.

Khoảng một nửa những lợi ích được tạo ra đến từ việc cắt giảm thuế và một nửa khác được mang lại do các biện pháp phi thuế quan (NTM), bao gồm tự do hóa các ngành dịch vụ then chốt.

Xét trong các ngành, ngành sản xuất có sử dụng lao động cường độ cao và đặc biệt là các lĩnh vực mà hiện nay phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao trên thị trường TPP sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các lĩnh vực này bao gồm dệt may, may mặc, giày dép và một số ngành đang ở mức độ thấp hơn như chế biến thực phẩm và thiết bị điện tử . Ngược lại, ngành xuất khẩu chính trước kia bao gồm nông nghiệp và dịch vụ được dự kiến sẽ giảm xuống, chủ yếu do kết quả của việc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cùng với việc tái phân bổ nguồn lực trong sản xuất.

Tuy nhiên, trong khi ảnh hưởng của TPP vào Việt Nam là tích cực, WB cho rằng, có một số thách thức phát sinh khi thực hiện các cam kết TPP.

TPP dự kiến sẽ có tác dụng như một điểm tác động bên ngoài để thúc đẩy cải cách cơ cấu. TPP sẽ không chỉ loại bỏ các rào cản thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu chủ lực, mà còn có những tác động hữu hình tới chất lượng thi hành pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, lao động và tiêu chuẩn môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công và tự do hóa dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ tài chính và viễn thông.

Việc thực hiện các cam kết này sẽ đặc biệt khó khăn cho Việt Nam, nhất là liên quan đến việc cải cách thể chế kinh tế. Việt Nam đã thể hiện trong bối cảnh gia nhập WTO là đất nước có khả năng vận dụng việc thực hiện cam kết với bên ngoài để thúc đẩy cải cách bên trong, đặc biệt là trong các lĩnh vực cải cách mang tính thách thức.

Thứ hai là tác động của các luật quy định nguồn gốc xuất xứ: quy tắc nghiêm ngặt của TTP về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một thách thức đối với Việt Nam, vì xuất khẩu của đất nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa trung gian. Điều này đặc biệt áp dụng trong lĩnh vực dệt may.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ 60-90% nguyên phụ liệu dệt may từ các nước khác, chủ yếu từ Trung Quốc và Đài Loan (không phải là thành viên của TPP). Phần lớn hàng xuất khẩu hiện tại của Việt Nam trong lĩnh vực này có thể sẽ không thực hiện được quy định của TPP về nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, ngành dệt may sẽ phải tái cơ cấu theo hướng ngược lại mới có thể để tối đa hóa lợi ích từ TPP. Trong khi điều này đặt ra không ít khó khăn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp FDI ở đầu chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ xây dựng năng lực sản xuất cần thiết, như đã thấy qua việc một số công ty Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào sản xuất sợi tại Việt Nam.

WB trong báo cáo khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết TPP và thúc đẩy các biện pháp đi kèm để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chương trình cải cách xuất phát từ các cam kết TPP là lớn và phức tạp. Định chế tài chính này đã làm việc với chính quyền trong một số các lĩnh vực chính sách bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này.

Để Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích với TPP và với các hiệp định thương mai tự do (FTA) khác, WB đã thảo luận với các nước phát triển việc tạo ra Quỹ tín thác đa biên để giúp Việt Nam chuẩn bị cho việc thực hiện thành công các cam kết.

Nguồn: TBKTSG