TPP cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
07/10/2015 11(TBKTSG) - Hiệp định TPP đã kết thúc đàm phán và mở ra một vận hội mới cho nền kinh tế nước ta. Những lợi ích mà hiệp định có thể mang lại đã được bàn đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, TPP chỉ mang lại cơ hội chứ không trực tiếp mang lại lợi ích. Những cơ hội đó có thành hiện thực được hay không phụ thuộc vào khả năng tận dụng cơ hội của chúng ta và khả năng khắc phục những thách thức mà TPP mang lại.
Thách thức quan trọng nhất đó là “tình trạng lưỡng phân trong thực thi”. Những doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ nước họ, có sức ép đủ mạnh về chính trị, ngoại giao... nên việc thực thi chính sách, tuân thủ Hiệp định TPP từ cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp này là khá rõ ràng.
Ngược lại các doanh nghiệp trong nước thường lại là đối tượng bị hạch sách nhũng nhiễu của chính cơ quan công quyền mà không có những hậu thuẫn phía sau như doanh nghiệp nước ngoài.
Đặc biệt trong TPP, các doanh nghiệp nước ngoài có thể kiện chính phủ ra tòa án quốc tế nơi mà hầu như các cơ quan nhà nước không thể ảnh hưởng. Trong khi nếu có tranh chấp giữa doanh nghiệp trong nước với cơ quan công quyền thì việc phân xử được thực hiện trong nước nơi các cơ quan nhà nước có mức độ ảnh hưởng khá lớn. Như vậy vào TPP có thể tạo ra sân chơi bất bình đẳng cho chính doanh nghiệp trong nước.
Thách thức thứ hai, xu hướng bảo hộ của các nước khác không vì TPP mà giảm, những tranh chấp thương mại có thể xảy ra. Trên thực tế để tiếp cận các cơ quan trọng tài hoặc tòa án quốc tế phân xử các tranh chấp này là rất đắt đỏ và đòi hỏi tính chuyên gia rất cao. Đây chính là rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước khi tham gia hội nhập và các doanh nghiệp trong nước dù có tuân thủ đúng các quy định của hiệp định thì cũng thường phải chấp nhận thua thiệt vì không đủ nguồn lực vượt qua các rào cản này.
Thứ ba, các công ty xuyên quốc gia được bảo vệ tối đa, khả năng các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam cạnh tranh được với các công ty này ngày càng nhỏ. Thêm vào đó, những quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ làm cho chi phí tiếp cận về công nghệ trở nên đắt đỏ, và giảm khả năng bắt chước của những nước đi sau. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu do các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển trong khối dẫn dắt, mà không có cơ hội để chuyển dịch lên các nấc thang giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ tư, với nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu quy trình giám sát chặt chẽ, thiếu khả năng chứng minh nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất sạch, những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập vào thị trường các nước khác như Bắc Mỹ, Nhật, Hàn... vì các nước này chắc chắn sẽ dựng lên những rào cản kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) để ngăn chặn hàng nhập khẩu.
Ngược lại chúng ta sẽ rất khó đưa ra các biện pháp này vì nếu các nhà sản xuất trong nước của chúng ta chưa đáp ứng được các điều kiện mà hàng rào chúng ta muốn dựng lên thì việc chúng ta dựng lên hàng rào TBT và SPS sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia và sẽ bị kiện. Như vậy ngành nông nghiệp sẽ đối diện với bất lợi rất lớn là khó thâm nhập thị trường nước ngoài trong khi đó phải đối diện với sự thâm nhập rất lớn của các sản phẩm nông sản từ các nước có lợi thế rất mạnh trong sản xuất nông sản như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Chile... Ngành sữa, chăn nuôi, trồng trọt (đậu, bắp), trái cây sẽ là những ngành chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất từ phía hàng hóa nhập khẩu..
Như vậy cơ hội rất lớn, thách thức cũng không nhỏ. Luật chơi đã thay đổi, thể chế quản lý nhà nước cần phải thay đổi để ít nhất xóa bỏ những trở lực không đáng có đối với các doanh nghiệp trong nước. Đây là thời điểm Nhà nước phải trở thành người đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong môi trường cạnh tranh mới này.
Nguồn: TBKTSG
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc