Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông chiếm 1,56 tỉ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, hàng nông sản, điện tử…

Tuy nhiên, trong một hội thảo mới đây với chủ để “Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Phi” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, doanh nghiệp vẫn tỏ ra e ngại với hai thị trường mới này.

Thị trường châu Âu, ASEAN đang dần đi vào bão hòa và đưa ra các hàng rào kỹ thuật gắt gao với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi thị trường Trung Đông, châu Phi dễ tính hơn, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với các nước thuộc thị trường Trung Đông ngoài các nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng còn có nhu cầu về nhập khẩu lao động. Saudi Arabia, nhu cầu nhập khẩu khoảng 7 triệu lao động và sẵn sàng nhận từ 400.000 đến 700.000 lao động Việt Nam. Các tiểu vương quốc Ả rập nhu cầu 5.000 lao động Việt Nam. Với thị trường châu Phi, những sản phẩm xuất khẩu Việt Nam nghiêng về các mặt hàng như điện-điện tử, cơ khí, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy…

Nhìn chung, rào cản thương mại của hai thị trường trên không quá khắt khe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn e ngại vì phía đối tác yêu cầu sử dụng phương thức thanh toán bằng D/P (nhờ thu-trả ngay). Thông thường để tránh rủi ro tối đa, doanh nghiệp thường dùng phương thức thanh toán bằng L/C (tín dụng-chứng từ), tuy chậm mà an toàn. Phương thức D/P thông qua ngân hàng của nước xuất khẩu và đại lý của ngân hàng đặt ở nước nhập khẩu thực hiện toàn bộ quá trình giao dịch. Hàng hóa sẽ được giao cho bên nhập khẩu khi hoàn thành nghĩa vụ trả tiền.

Một đại diện của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cho rằng nếu áp dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp sẽ không dám mạo hiểm vì thực tế khi nhà nhập khẩu không nhận hàng nữa, luật pháp cũng không quy định chế tài để áp dụng. Ngoài ra, những bất ổn về an ninh chính trị, xung đột về tôn giáo ở các nước Trung Đông cũng là một trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử