Theo Báo cáo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế sau 3 năm gia nhập WTO do Văn phòng Chính phủ dự thảo, hội nhập kinh tế, đặc biệt là gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (VN).

Theo Báo cáo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế sau 3 năm gia nhập WTO do Văn phòng Chính phủ dự thảo, hội nhập kinh tế, đặc biệt là gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (VN). Tại Hội thảo: “Đánh giá tác động sau 3 năm VN gia nhập WTO” do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá nói: “Bộ máy thực hiện và điều hành thể chế có thể còn khiếm khuyết nhưng rõ ràng có tiến bộ”.

Nhiều trở ngại

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về góc độ thể chế kinh tế, VN đã làm được khá nhiều việc như sửa đổi văn bản pháp luật để thực thi WTO; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành... “Những cải cách trước đây chưa đủ để thể chế cất cánh, vẫn là nút thắt tăng trưởng. Vì vậy, cần có chiến lược cải cách mới, xây dựng hệ thống thể chế hiện đại, năng lực cao”, ông Lê Xuân Bá chỉ rõ.

VN đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản pháp lý nhằm “nội luật hóa” các cam kết gia nhập WTO, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết. Tuy nhiên, có một số cam kết VN đi nhanh quá, khiến DN sản xuất gặp khó khăn. Chẳng hạn, việc giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt tươi, đông lạnh, chế biến trong năm 2007-2008 thấp và nhanh hơn so với yêu cầu của cam kết WTO đã gây tác động tiêu cực cho sản xuất trong nước.

Ba năm gia nhập WTO, VN tăng trưởng GDP cao nhưng phụ thuộc nhiều vào đầu tư. Đây cũng là thời gian tiết kiệm nội địa ở mức thấp, năm 2009 chỉ đạt khoảng 438 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,7% GDP so với 26,6% GDP năm 2008, nhưng còn thấp hơn nhiều so với 29,2% năm 2007. Vì vậy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều điểm yếu cơ bản về chất lượng tăng trưởng đã và đang bộc lộ rõ, hiệu quả thấp, chi phí cao, giá trị gia tăng và năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế. VN mở rộng nhanh sản xuất các ngành, phát triển mạnh ở các tỉnh, các đô thị mới, các dự án đầu tư lớn, nhưng việc phối hợp, liên kết còn thiếu đồng bộ, tính bền vững của các dự án này. “Sẽ không có nhiều lựa chọn khi nền kinh tế phải dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói. Với một lượng vốn FDI lớn, nền kinh tế không có khả năng hấp thụ hiệu quả, trong khi nguồn vốn này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Hội nhập giúp VN chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường. Nhưng cùng với đó, thâm hụt thương mại lớn và tăng nhanh. Xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) đều tăng nhưng NK tăng nhanh hơn. Hàng NK, nhập siêu đã tác động mạnh đến cơ sở công nghiệp và chương trình công nghiệp hóa của VN. “Vì vậy, cần phát triển công nghiệp hóa theo hướng tăng giá trị nội địa và tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời nâng cao trình độ công nghệ và quản trị, hạ tầng cứng và mềm...”, bà Lan nói.

Cần kế hoạch tổng thể, bài bản

“Đánh giá tác động hội nhập rất khó bởi phát triển liên quan nhiều nhân tố chứ không riêng hội nhập. Và càng khó hơn trong bối cảnh thế giới xáo động như hiện nay”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận. Theo ông, nên “nhặt ra” những vấn đề năm ngoái đã kiểm điểm, xem những vấn đề trước đây đã làm tốt, năm nay có tốt hơn không. “Nhưng quan trọng hơn là việc thay đổi những điều làm chưa tốt như thế nào?” - ông Khoan nói.

Việt Nam tiếp tục hội nhập như thế nào trong những năm tới? Theo ông Khoan, điều này tùy thuộc 2 yếu tố: thế giới và trong nước. Sau khủng hoảng, xu thế bảo hộ tăng lên, vòng đàm phán Doha bế tắc song song với sự hình thành các tập hợp song phương, đa phương, khu vực riêng lẻ... Vấn đề tái cấu trúc đang bao trùm thế giới, trong đó có tái cấu trúc hệ thống tài chính, tiền tệ. Việc điều chỉnh quan hệ nhà nước-thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản xuất chú ý nhiều hơn đến môi trường... đang diễn ra toàn cầu. Ngay tại nước Mỹ, cả thượng viện và hạ viện đều thông qua đạo luật kiểm soát ngân hàng - điều chưa từng thấy trong lịch sử.

Đối với trong nước, theo ông Vũ Khoan, năm qua, VN rất vất vả để khắc phục tác động của cuộc khủng hoảng, nhưng tâm thế hội nhập vẫn đứng vững. Nhưng hội nhập cũng nổi lên hai vấn đề. Thứ nhất, chúng ta có phần lúng túng trong việc ứng phó với quá trình hội nhập trong khủng hoảng. VN chưa tận dụng hết công cụ mà hội nhập cho phép, tâm tư hành chính trở lại, sử dụng công cụ hành chính hơi nhiều. Thứ hai, trong quá trình hội nhập, tất cả điểm yếu bộc lộ rõ nét, đặc biệt là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Tái cấu trúc đòi hỏi quá trình lâu dài, nhưng đây là vấn đề cấp bách, nếu không làm sẽ không khắc phục được điểm yếu của nền kinh tế.

Đồng quan điểm với ông Khoan, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN cho rằng, hoàn thiện phát triển kinh tế thị trường, sử dụng biện pháp hành chính là cần thiết. Nhưng trong cam kết WTO cũng có hai mặt, một mặt là mở cửa theo cam kết với WTO, một mặt là bảo vệ cũng theo quy định của WTO. “Thời gian tới nên hạn chế sử dụng các biện pháp này, thay vào đó, nên sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thị trường”, ông Tự nói.

Theo Bộ Công Thương, năm 2009, Việt Nam đã ký kết 5 hiệp định, nghị định thư song phương; 15 hiệp định, nghị định thư về hợp tác đa phương (trong khuôn khổ WTO, ASEAN, ASEAN+) và 32 thỏa thuận hợp tác. Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc nghiên cứu, xây dựng chủ trương và triển khai các hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại; rà soát, sửa đổi và xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến cam kết hội nhập. Đến nay, có 9 văn bản pháp luật đã được thông qua và 22 văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung.

Về tình hình thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, ASEM... Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã nêu một số đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội liên quan việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại của Chính phủ. Theo đó, đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật liên quan tới hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác vận động ngoại giao hỗ trợ đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, giải quyết tranh chấp thương mại, quản lý thị trường...

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử