BizLIVE - Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận định sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong các cuộcđiều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, quá trình hội nhập buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật thương mại của các đối tác.
Doanh nghiệp đối mặt với rủi ro kiện bán phá giá
Kết quả khảo sát doanh nghiệp niêm yết của Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành vào tháng 6 - 7/2015, vừa qua cho thấy, một số chính sách hạn chế nhập khẩu mà các quốc gia khác áp dụng là chống bán phá giá, tự vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật như biện pháp kiểm nghiệm dịch tễ; kiểm dịch động thực vật; yêu cầu đóng gói và nhãn hiệu, ký hiệu; hàng rào xanh (liên quan đến vấn đề môi trường và xã hội) và các hình thức áp dụng cũng khác nhau theo từng quốc gia.
Ví dụ rào cản thương mại như không cho phép nhập khẩu sản phẩm có hàm lượng sửa từ 10% trở lên (Úc), không cho nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Việt Nam (Trung Quốc), phải xin giấy phép nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch và bị áp thuế cao nếu vượt hạn ngạch đối với sản phẩm sửa có hàm lượng protein từ 7% trở lên; áp dụng tiêu chí kỹ thuật IQS về thông tin nhãn và chất lượng sản phẩm, chứng từ phải được Đại sứ quán chứng thực (Iran).
Theo báo cáo của VCCI, cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam liên quan đến gần 80 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nhiều thị trường. Các vụ điều tra phòng vệ thương mại gây ra những thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nguy cơ này còn cao hơn bởi Việt Nam hiện vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
"Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… của các đối tác. Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức vì đa số doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV, thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm, quản trị và quy trình sản xuất chưa hiện đại”, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Ngoài ra, việc gia nhập WTO khiến thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động lớn hơn, trực tiếp hơn của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế.
“Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, sữa và nguyên liệu sữa… bị ảnh hưởng trực tiếp từ giá cả thế giới. Áp lực cung-cầu và tình trạng suy giảm kinh tế của một số quốc gia lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn”, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên
Dù vậy, việc gia nhập WTO đã thúc đẩy hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước tăng lên. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh. Xuất khẩu hàng hóa năm 2014 là 150,19 tỷ USD gấp 3,09 lần so với năm 2007; mức bình quân năm giai đoạn 2007-2014 là 91,78 tỷ USD gấp 3,66 lần so với mức bình quân năm giai đoạn 2001-2006.
Nhập khẩu hàng hóa năm 2014 là 148,05 tỷ USD gấp 2,36 lần so với năm 2007; mức bình quân năm giai đoạn 2007-2014 là 99,85 tỷ USD gấp 3,42 lần so với mức bình quân năm giai đoạn 2001-2006.
Xếp hạng của WTO về xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng so với thời điểm gia nhập WTO.
Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau khi gia nhập WTO, quan hệ kinh tế đối ngoại được tăng cường. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, mở rộng từ ASEAN sang các nước khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và bước đầu phát triển sang thị trường châu Phi.
Một số nước, vùng lãnh thổ là thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam, gồm ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Đây cũng là những thị trường Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết các FTA.
Trong giai đoạn 2007-2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có FTA đều đạt mức tăng trưởng cao. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ASEAN, EU, Trung Quốc tăng mạnh.
Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường thuộc châu Á luôn đạt mức cao với tăng trưởng bình quân đạt 13,1%/năm trong giai đoạn 2007-2014.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Bên cạnh những cơ hội, kết quả đạt được, hoạt động thương mại cũng tồn tại một số hạn chế, thách thức trong giai đoạn 2007-2014. Theo đó, từ sau khi gia nhập WTO, chỉ có 3 năm gần đây (2012-2014) Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại, các năm trước đều có thâm hụt cán cân thương mại lớn. Năm 2012 xuất siêu hàng hóa 748,8 triệu USD, năm 2013 là 0,3 triệu USD, năm 2014 là 2,14 tỷ USD.
So sánh mức bình quân năm thì thương mại giai đoạn 2007-2014 vẫn ở tình trạng nhập siêu (8,07 tỷ USD) cao hơn mức nhập siêu bình quân năm giai đoạn 2001-2006 (4,05 tỷ USD) riêng năm 2008 nhập siêu hàng hóa là 18,02 tỷ USD.
Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Xem xét theo thị trường, có 5 nước, vùng lãnh thổ có thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam tập trung ở khu vực châu Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong giai đoạn 2007-2014, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ nhập siêu trong hai năm 2007, 2008 trước khi xuất siêu liên tục từ năm 2009 đến nay, cộng dồn khu vực FDI đã xuất siêu 24,29 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước chỉ xuất siêu 0,26 tỷ USD năm 2008, cộng dồn khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu tới 88,84 tỷ USD trong giai đoạn này.
Đối với cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ, luôn ở tình trạng nhập siêu và có xu hướng tăng lên từ năm 2007 đến nay, trừ năm 2012 có sự chững lại, nhập siêu dịch vụ năm 2014 là 3,53 tỷ USD, gấp 4,92 lần so với năm 2007.
Nguồn: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Xét về tốc độ tăng kim ngạch của xuất khẩu và nhập khẩu thì giảm so với thời điểm trước khi gia nhập WTO. “Đây cũng là vấn đề mang tính quy luật, khi quy mô xuất nhập khẩu ngày càng lớn thì giá trị xuất nhập khẩu tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại”, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Nguồn: Biz Live