Xuất khẩu (XK) của Việt Nam tăng trưởng tốt những năm qua một phần nhờ việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày một sâu rộng của sản xuất trong nước.

Thực tế cho thấy, phần giá trị nước ngoài gia tăng trong tăng trưởng XK của Việt Nam đã tăng nhanh từ 21% năm 1995 lên 36% năm 2011. 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị giá XK của khối doanh nghiệp FDI là 52,54 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 8,92 tỷ USD và tăng mạnh ở các hàng điện thoại các loại và linh kiện (tăng 3,06 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 2,73 tỷ USD)… Trong khi đó, tổng trị giá XK hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước là 25,23 tỷ USD, giảm 8,4%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng quan trọng vào XK của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ.

Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong những ngành chủ chốt như: Thương mại, nông nghiệp, quần áo và dệt may, thiết bị vận tải và công nghệ thông tin liên lạc. Thách thức chính trong thời gian tới với các nhà hoạch định chính sách là việc tăng cường hoạt động chuỗi giá trị, đồng thời xúc tiến nâng tầm tới những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc tập trung vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thấp như lắp ráp thành phẩm, nhưng tới đây, đất nước sẽ cần phải phát triển các liên kết ngược với các nhà cung cấp chi tiết, quan trọng nhất là cần xây dựng những kết cấu sáng tạo nội địa dựa trên dịch vụ nghiên cứu phát triển, thiết kế và kỹ thuật.

 Ngoài ra, cải thiện khả năng liên kết và tạo thuận lợi thương mại là một trong những đề xuất mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cho Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cần phải xóa bó khoảng cách về cơ sở hạ tầng thông qua việc tận dụng các quỹ tư nhân, nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng chất lượng cao với số lượng phù hợp; tạo thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, hướng đến mục tiêu cuối cùng là khả năng kết nối với các thị trường quốc tế của đất nước. Trước mắt, Việt Nam cần tận dụng nỗ lực hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thúc đẩy khả năng cạnh tranh bền vững ở cấp doanh nghiệp tại các thị trường chính; ràng buộc cải cách thể chế quan trọng trong nước có thể thúc đẩy đầu tư và hoạt động của ngành.

Để tham gia vào chuỗi liên kết phải tận dụng những cải thiện về môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách về quy định ngành để hỗ trợ phát triển dịch vụ chính như: Năng lượng, công nghệ thông tin, tài chính...

 Nguồn: Báo Công Thương