Trong khi chưa thể phát triển sản xuất theo quy mô lớn với những trang trại hàng trăm ha, thì ngành chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tất cả các hộ nông dân tạo thành chuỗi. Đây là cách như Đài Loan đã làm để vực dậy ngành nông nghiệp. 

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp: Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi Việt Nam, diễn ra ngày 9/9 tại Hà Nội.

Sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu

Việt Nam hiện có 11 triệu hộ nông dân, trong đó, trên 8 triệu hộ làm chăn nuôi và trên 50% số sản phẩm chăn nuôi là theo quy mô nông hộ. Khi TPP được ký kết, ngành chăn nuôi được đánh giá là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn đến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, gây bất lợi cho ngành chăn nuôi khi hội nhập. Sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp do cạnh tranh chính đến từ các nước tham gia TPP. Trong đó, mặt hàng sữa, thịt bò, thịt heo là những mặt hàng chính bị cạnh tranh nặng nề nhất.

Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực cho biết, do sản xuất quy mô nhỏ, nên hầu hết giá thành thịt gà, thịt lợn, thịt bò… trong nước đều đắt hơn của các nước chăn nuôi công nghiệp như Trung Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu… Ước tính, giá thịt gà, thịt lợn trong nước hiện đều đắt gấp 2-3 lần so với giá một số nước trên thế giới. Do đó, một số nước đang rục rịch xuất khẩu thịt sang Việt Nam vì họ làm rẻ hơn.

Cố vấn cao cấp của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, ông Andrew Wells-Dang bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi lo rằng khi Việt Nam tham gia TPP sẽ xuất hiện trình trạng độc quyền, không đảm bảo được quyền lợi của người chăn nuôi nhỏ”

Tăng cường liên kết và định vị sản phẩm thế mạnh

Cũng theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước, về lâu dài, cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thống giết mổ tập trung. Chăn nuôi ở quy mô nông hộ không nên được khuyến khích quá đà.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cho rằng, Việt Nam còn quá ít những mô hình chăn nuôi quy mô lớn như TH True Milk do cần sự đầu tư lớn và thời gian. Do đó, trước mắt tất cả các hộ nông dân cần liên kết lại thành một chuỗi. Nhà nước nên có những giải pháp để giúp các hộ nông dân liên kết lại với nhau, đồng thời hỗ trợ về chính sách, vốn, công nghệ giúp cho người nông dân tổ chức lại sản xuất. “Chúng ta hãy đặt vấn đề đừng thua trên sân nhà trước vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.  Ngành chăn nuôi phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, rẻ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, cần có chính sách giúp cho các hộ nông dân nhỏ tổ chức thành hợp tác xã và phát triển chăn nuôi với những giống bản địa địa phương. Thói quen sử dụng thịt tươi sống và các giống đặc sản của người tiêu dùng vẫn là lợi thế để ngành chăn nuôi phát triển. Bên cạnh đó, trước sức ép của hội nhập, nguồn nguyên liệu đầu vào bị chi phối, Nhà nước cần có những hỗ trợ mạnh mẽ để các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đứng vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục chăn nuôi cho hay, chúng ta cần định vị các sản phẩm chúng ta có lợi thế. Nếu không cạnh tranh được về gà công nghiệp lông trắng thì Việt Nam nên tập trung phát triển chăn nuôi gà ta lông màu. Thịt lợn hơi của Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh về giá thì chúng ta tập trung vào thịt lợn Mán, lợn cắp nách… Về mặt chính sách, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng nghị định về mô hình hợp tác xã nông nghiệp để có những hỗ trợ cho người chăn nuôi thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới. 

Nguồn: Báo Công Thương