Đình trệ đàm phán TPP: Đừng vội bi quan
05/09/2015 29(DĐDN) – 12 nước tham gia thương lượng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được thỏa thuận sau vòng đàm phán kéo dài một tuần tại Hawaii vừa qua. Dù vậy, vẫn còn khá nhiều ý kiến lạc quan cho tương lai của TPP.
Trong cuộc đàm phán ngày 31/7, các bộ trưởng đã không giải quyết được vấn đề về ôtô và sữa, chưa thỏa thuận được những điểm mấu chốt nhất. Tuy nhiên, những công việc đã hoàn thành thuộc vấn đề sở hữu trí tuệ, DNNN… giúp họ tự tin rằng những vấn đề khác không mất nhiều thời gian để hoàn tất. Các bộ trưởng cũng đạt được thỏa thuận về bảo vệ môi trường chung và một số các vấn đề thương mại khác.
Nhìn lại những bất đồng
New Zealand khẳng định họ sẽ không ủng hộ một hiệp định không cho phép “mở cửa” các thị trường sữa, chủ yếu là thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Canada và Mexico. Bên cạnh đó, các bộ trưởng vẫn chưa thỏa thuận được về thời hạn bảo mật những dữ liệu dùng để phát triển các dược phẩm sinh học. Đây là một trong những bất đồng lớn nhất về quyền sở hữu trí tuệ của vòng đàm phán TPP. Mỹ mong muốn thời hạn bảo mật thông tin dược phẩm là 12 năm nhưng Úc lại yêu cầu chỉ 5 năm. Ngoài ra, các bên tham gia đàm phán cũng đề xuất 7 hoặc 8 năm để dàn hòa giữa 2 bên, nhưng cuối cùng lại không thỏa thuận được.
Mặt khác, mâu thuẫn giữa Nhật và Bắc Mỹ về vấn đề tự do thương mại cũng là trở ngại lớn với đàm phán TPP. Mỹ và Nhật đã đồng ý phần lớn điều khoản về xuất xứ của mặt hàng ô tô, trong đó hai bên đồng ý quyết định nếu ô tô có xuất xứ từ khu vực tự do thương mại thì sẽ không phải chịu thuế. Tuy nhiên, Nhật và Mỹ lại không có được sự đồng thuận từ Canada và Mexico, hai quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ trong ngành công nghiệp ôtô.
Tiến trình đàm phán đình trệ là tổn thất lớn đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama. Trước đó, giới quan sát đã đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán cuối cùng này. Tháng trước, quyền đàm phán nhanh của Tổng thống Mỹ đã được thông qua. Với thất bại lần này, Chính phủ Mỹ chỉ có thể phê chuẩn nó sớm nhất vào năm 2016, năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Các ứng viên Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ ủng hộ TPP, trong khi ý kiến của các ứng viên Đảng Dân chủ còn nhiều chia rẻ. Ứng viên tranh cử Tổng thống năm 2016, bà Hillary Rodham Clinton, đã từ chối đưa ra quan điểm của mình với TPP.
Tương lai nào cho TPP ?
Dù đối mặt với thực tế là đàm phán TPP thất bại tại Hawai vừa qua, nhưng nhiều chuyên gia bình luận quốc tế vẫn không có cái nhìn hoàn toàn bi quan.
Dù đối mặt với thực tế là đàm phán TPP thất bại tại Hawaii vừa qua, nhưng nhiều chuyên gia bình luận quốc tế vẫn không có cái nhìn hoàn toàn bi quan. Ngay cả khi chưa thể kết thúc đàm phán lần này thì tiến trình đàm phán cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, một số vấn đề “xương xẩu” đã được các nước cùng giải quyết. Quá trình đàm phán đã kéo dài nhiều năm, các nước đã cố gắng vượt qua nhiều khác biệt, nên các nước sẽ nỗ lực đi đến thỏa thuận chung để có thể kết thúc đàm phán, một chuyên gia bình luận.
Đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman cũng cho biết hiện chỉ còn một số bất đồng và các bên liên quan cam kết nỗ lực giải quyết trong thời gian tới thông qua các cuộc thảo luận song phương. Các vấn đề vướng mắc chủ yếu đang nằm ở bốn nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico, trong bối cảnh các nước đã giải quyết được đến 98%. Tuy nhiên, bộ trưởng các nước thành viên đang nhắm đến việc họp lại vào cuối tháng 8 này để nỗ lực hoàn tất đàm phán TPP ngay trong năm nay. Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại VN phát đi cuối tuần qua cũng khẳng định đàm phán TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể và các bên sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết một số lượng hạn chế các vấn đề còn lại, dọn đường cho việc kết thúc các cuộc đàm phán.
Mỹ cho biết ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, quốc gia này tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP trong tầm tay. Nước này nhấn mạnh sẽ mang lại một hiệp định TPP đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao, giúp cho việc làm và tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Việt Nam hoàn tất đàm phán TPP với Mỹ
Vụ Chính sách thương mai đa biên – Bộ Công Thương cho biết, VN vừa kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với một số thành viên trong TPP tại Hội nghị bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP ở Hawaii diễn ra vừa qua.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo các nước tham gia đàm phán, sau các phiên họp toàn thể và nhiều phiên họp riêng theo nhóm hoặc song phương ở cấp bộ trưởng, trưởng đoàn và kỹ thuật, các nước đàm phán TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Sau các cuộc đàm phán này, VN đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với tất cả các nước có liên quan.
Liên quan đến đàm phán TPP, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, nhiều văn kiện hợp tác cấp chính phủ, cấp bộ, ngành và DN cũng đã được ký kết trong chuyến đi. Hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo tích cực triển khai, trọng tâm là thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo và đặc biệt quan trọng là hoàn tất đàm phán TPP.
VN cũng đang vận động Hoa Kỳ công nhận VN có nền kinh tế thị trường, giảm rào cản với hàng hóa của VN. Cùng với đó là hợp tác nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ và bộ đội VN mất tích, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc da cam tại VN…
Trong thông báo phát đi hôm 3/8, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết các nước thành viên TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Ngoài ra, 12 quốc gia cam kết sẽ tiếp tục duy trì động lực đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn tại này. Theo báo cáo Tác động của (TPP) đến VN của VEPR được công bố mới đây, GDP VN sẽ tăng tới 2% nếu gia nhập cộng đồng kinh tế này, trong khi mức thay đổi của các quốc gia còn lại đều dưới 1%.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp