Đàm phán TPP: về đích khó khăn
06/08/2015 15(TBKTSG)-Phiên họp cuối tuần trước ở Hawaii, Mỹ, được kỳ vọng là “vòng đàm phán cuối cùng” để đạt thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc trong bế tắc. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari vẫn tỏ ra lạc quan: “Trong phiên đàm phán tới, tôi tin là tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết”.
Còn nhiều trở ngại
Hai chục con bò sữa giống Brown Swiss đang ung dung gặm cỏ tại một cánh đồng ở phía Đông Nam Montreal, Canada vào một ngày cuối tháng 7. Mặt trời sưởi ấm làn da màu chocolate của chúng. “Chúng là những con bò dễ thương, chẳng phải lo nghĩ gì cả”, Marie-Pier Gosselin, con trai của chủ sở hữu trang trại sữa nổi tiếng Au grè des champs nói với The Globe and Mail.
Những con bò này không biết rằng, vào cùng thời điểm ấy, chúng đang là chủ đề của cuộc thảo luận gay gắt ở Hawaii, Mỹ, cách đó 8.000 ki lô mét. Đây là nơi mà các quan chức cấp cao của 12 quốc gia thành viên TPP nhóm họp để nỗ lực kết thúc một thỏa thuận, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của khối lên 285 tỉ đô la.
Tiến trình đàm phán TPP kéo dài suốt năm năm, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-7. Nhưng sau bốn ngày thương thuyết, có những cuộc kéo dài tới quá nửa đêm, đại diện 12 quốc gia thành viên đã không đi đến được thỏa hiệp cuối cùng.
Việc cho phép các sản phẩm nước ngoài tiếp cận thị trường đối với ngành công nghiệp sữa được bảo hộ mạnh mẽ ở Canada được cho là một trong những trở ngại chính dẫn tới những bế tắc, khiến cho cuộc đàm phán được kỳ vọng là cuối cùng lần này đã kết thúc, mà không đạt được thỏa thuận.
Người Canada lo ngại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa ngoại sẽ phá vỡ hệ thống quản lý nguồn cung được bảo hộ chặt chẽ ở trong nước. Hệ thống này hiện đang điều hành giá các phẩm sữa, ngành công nghiệp gia cầm và trứng trị giá lên tới 10 tỉ đô la một năm. Tuy nhiên, trong đàm phán TPP, việc đó được cho là bóp méo thị trường bằng cách bảo hộ, hạn chế khả năng cạnh tranh.
Mỹ, đối tác lớn nhất trong TPP, đang gây sức ép buộc Canada phải dỡ bỏ hệ thống quản lý nguồn cung. Thậm chí trước cuộc đàm phán ở Hawaii, nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ thẳng thừng kêu gọi đại diện thương mại Mỹ Michael Froman để Canada “ở lại” nếu họ không chịu nhượng bộ. New Zealand, nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới, cũng không muốn bị mất cơ hội thâm nhập thị trường Canada khi tham gia TPP.
“Không, chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi thỏa thuận này”, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nói với hãng tin AFP.
Nhưng đại diện Canada vẫn không nhân nhượng. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Ed Fast từ chối bình luận về nội dung của các cuộc đàm phán mới nhất. Nhưng ông cho biết đã đưa theo rất nhiều nhà thương thuyết và sẵn sàng đạt thỏa thuận nếu các điều kiện thỏa mãn lợi ích quốc gia của Canada.
“Chúng tôi đã có bốn ngày đàm phán khó khăn, và đã giải quyết nhiều vấn đề hóc búa”, ông Ed Fast nói với The Globe and Mail. Trước thông tin về việc Canada bị loại khỏi cuộc chơi, Bộ trưởng quả quyết: “Tiến triển đang đạt được và Canada là một đối tác xây dựng trên bàn đàm phán”.
Ông Ed Fast cho biết sẽ sớm tiến hành cuộc gặp song phương với đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman vào tuần này để tiếp tục thảo luận. Mặc dù đàm phán TPP diễn ra giữa nhiều quốc gia, nhưng các cuộc gặp song phương, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và các nước khác đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đàm phán tổng thể.
“Nông dân ở nước nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của chính họ và TPP cũng không ngoại lệ. Tất cả các quốc gia đều hy vọng sẽ đưa những gì có lợi nhất lên bàn đàm phán và chúng ta phải cố gắng để đạt thỏa thuận chung”, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb lý giải khi trả lời phỏng vấn hãng tin ABC.
Theo các nhà phân tích nhận định, vào tháng 10 tới, Canada sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Trước sự vận động hành lang dữ dội của ngành sản xuất sữa yêu cầu chính phủ duy trì các biện pháp bảo vệ lợi ích của họ, đương kim Thủ tướng Harper và đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đứng trước một lựa chọn khó khăn.
Có vẻ như chính quyền của ông Harper đang chần chừ trong việc rút quân át chủ bài cuối cùng trên bàn đàm phán. Nên nhớ, Canada hiện có 13 đơn vị bầu cử gồm 300 chủ trang trại sản xuất sữa. Mỗi đơn vị có khoảng 10.000 cử tri. Đây là một số lượng phiếu bầu không nhỏ.
Sébastien Robert, người sở hữu một trang trại với 70 con bò ở vùng Gosselins, cho biết ông liên tục lên mạng để đọc tin tức về các cuộc đàm phán, với tần suất tương đương với việc kiểm tra thời tiết. Robert cập nhật tin về thời tiết 20 lần mỗi ngày trên điện thoại của mình.
“Tôi rất lo sợ”, ông nói với The Globe and Mail về khả năng các sản phẩm nhập ngoại sẽ xâm chiếm thị trường sữa trong tương lai, theo thỏa thuận TPP.
Rất gần và rất xa
Với diễn biến mới nhất này, Tổng thống Mỹ Barack Obama rõ ràng sẽ phải đợi lâu hơn để có thể công bố thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. Ông Obama đang rất muốn hoàn tất TPP trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1-2017. Ông cần thời gian để rà soát văn bản trước khi trình lên Quốc hội thông qua.
Năm 2016 sẽ là năm bầu cử Tổng thống Mỹ và sự chậm trễ hiện nay làm tăng triển vọng về việc, dấu ấn của Tổng thống Obama có thể phải chờ người kế nhiệm ông phê chuẩn. Điều này giống Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ của Tổng thống George HW Bush do Tổng thống kế nhiệm Bill Clinton ký.
Các bộ trưởng thương mại TPP cho biết, họ đã đạt tiến bộ “đáng kể” và trở về để xin ý kiến lãnh đạo cấp cao đối với một “số lượng nhỏ” các vấn đề chủ chốt cuối cùng, đồng thời sớm nối lại các cuộc đàm phán song phương.
“Chúng tôi tin tưởng hơn bao giờ hết rằng TPP đang ở trong tầm tay”, đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael B. Froman nói sau hội nghị, được hãng tin ABC trích lời. Nhưng trước đó, từ “rất gần” cũng đã được các quan chức sử dụng ít nhất bốn lần.
Nỗ lực kết thúc TPP được tiếp sức mạnh bởi việc Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống Obama “quyền đàm phán nhanh” hồi tháng 6. Mỹ hy vọng các nước khác có thể dễ dàng đồng thuận với nhau hơn sau khi Quốc hội Hoa Kỳ từ bỏ quyền sửa đổi bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào của TPP.
Nhưng, theo bình luận của The New York Times, những thỏa thuận chính sách của thế kỷ 21 đã phải lùi bước trước những vấn đề cũ, vốn làm điêu đứng thương mại quốc tế trong nhiều thập kỷ, như tiếp cận thị trường sữa ở Canada, thị trường đường ở Mỹ, gạo ở Nhật Bản....
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tỏ ra nuối tiếc: “Đáng buồn là, đàm phán đã hoàn tất được 98%. Những gì còn lại phụ thuộc bốn “‘ông lớn” Mỹ, Canada, Nhật và Mexico”.
Con số 2% của ông Robb nghe thì nhỏ, nhưng đó là những “lằn ranh đỏ” cuối cùng. Sự thất bại của vòng đàm phán Maui chỉ ra những khó khăn cùng cực của việc đạt được thỏa thuận với rất nhiều quốc gia, mỗi nước có những động thái chính trị riêng. Việt Nam, Malaysia và New Zealand đã sẵn sàng có những nhượng bộ đáng kể để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Nhưng với Thủ tướng Canada, Stephen Harper, ông còn phải có nhiều cân nhắc.
Hoa Kỳ muốn tiếp cận dễ dàng vào ngành nông nghiệp và ô tô của Nhật Bản, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt với một cơ quan lập pháp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nông dân. Hàng rào thương mại đối với ô tô nhập khẩu từ lâu cũng là yếu tố “khó vượt qua” tại Nhật.
Úc, Chile và New Zealand cùng chống lại sự thúc đẩy của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm. Mỹ muốn bảo hộ quyền sáng chế các loại thuốc mới là 12 năm, Úc chỉ đề nghị hai năm. Đoàn Úc nhấn mạnh rằng thời hạn quá năm năm sẽ “không bao giờ được quốc hội thông qua”.
Chile, với một chính phủ mới, và các hiệp định thương mại tự do có sẵn với mỗi quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ, thấy không có lý do gì để thỏa hiệp, đặc biệt là các yêu cầu trước mắt về việc bảo hộ cho các tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ.
Ông Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng Kinh tế của Mexico, công khai bày tỏ quan điểm cứng rắn về việc các xe nhập khẩu phải có 65% linh kiện là từ các nước TPP. “Tôi đang đấu tranh cho lợi ích của đất nước tôi”, ông nói với The New York Times.
Các bộ trưởng cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán - nhưng không định ngày cụ thể cho vòng tiếp theo. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói trên tờ Japan Times rằng, theo ông hiểu thì vòng đàm phán tới sẽ diễn ra vào tháng 8. “Tôi tin rằng tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết tại cuộc gặp lần tới”, ông quả quyết.
Nguồn: TBKTSG