(ANTV) -Sau 14 phiên đàm phán chính thức, cùng với đó là những phiên giữa kỳ, hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU đã đi tới những điểm thống nhất cuối cùng. Tham gia FTA với EU đồng nghĩa với cơ hội tiếp cận nguồn cung rộng lớn tại châu Âu. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là về mặt chất lượng.

Thành công trong việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU sẽ là cơ hội lớn cho các ngành sản xuất tại Việt Nam. Theo cam kết của hiệp định, 65% các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi.

Tuy nhiên thì làm thế nào để đảm bảo được chất lượng trước những yêu cầu khắt khe của thị trường này lại đang là vấn đề.  

Ông Franz Jenssen, Đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy thì chính các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Bán sản phẩm sang châu Âu sẽ đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều và sẽ cần phải có thời gian để các doanh nghiệp Việt có thể thích ứng.

Một trong những ngành sản xuất nhận được ưu đãi lớn khi tham gia EVFTA là dệt may. Theo đó, các sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định được ký kết. Song không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng sẵn sàng với những thời cơ này.   

Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Công ty cổ phần dệt may 29-3 cho rằng, chúng ta chưa đáp ứng được cái khâu hoàn tất khép kín. Nếu như chúng ta không đáp ứng được những cái yêu cầu về qui tắc xuất xứ thì dù có tham gia TPP thì cũng không chắc đã hưởng được lợi nhiều.

Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc phải đổi mới dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên thì đến thời điểm hiện tại, có đến 90% doanh nghiệp Việt chưa có chiến lược để hiện thực hóa công việc này, một phần là do thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.

Trao đổi ANTV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, Chính phủ sẽ xác định những cái lĩnh vực mà nền kinh tế VN có ưu thế cạnh tranh để hướng các doanh nghiệp đầu tư vào cái lĩnh vực này. Đồng thời có các biện pháp trợ giúp về đào tạo, về vốn, về công nghệ. Từ trước đến giờ chúng ta đã đề cập nhiều đến các biện pháp, đặc biệt là quĩ bảo lãnh tín dụng, tuy nhiên thì hiện nay rất ít quĩ bảo lãnh tín dụng thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

 Theo dự kiến, sau khi thống nhất cơ bản các điều khoản, hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU sẽ chính thức được ký kết trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2015. Như vậy là thời gian dành cho công tác chuẩn bị không còn nhiều nữa, và các doanh nghiệp Việt cần phải mau lẹ hơn nếu không muốn bị vuột mất cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Nguồn: ANTV