Trong nhiều năm qua, ngành dệt may và da giày là hai ngành góp phần khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho gần 3 triệu lao động trong cả nước. Thế mạnh của hai ngành dệt may - da giày đã được tạo ra từ lợi thế giá nhân công rẻ. Suốt một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp của hai ngành chỉ nhắm vào việc tìm nguồn lao động giá rẻ từ người nghèo đô thị, lao động nhập cư, thay vì tìm cách để quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên, khoảng năm năm trở lại đây, khái niệm lao động giá rẻ trong hai ngành bắt đầu bị thách thức, cộng với những ràng buộc về trách nhiệm xã hội đối với người lao động mà các nước nhập khẩu hàng dệt may, da giày đưa ra đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Một số nhà máy phải dịch chuyển đến các vùng xa để tiếp tục thu dụng nhân công giá rẻ hoặc phải tạm ngưng hoạt động.

Đã có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp tục đứng vững như chuyển từ gia công sang mua bán (còn gọi là FOB) hoặc chuyển dần sang kinh doanh nội địa hoặc nhận những đơn hàng có giá cao hơn… để nâng cao phần giá trị gia tăng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi một cách dễ dàng và chưa chắc tất cả các giải pháp trên đều đem đến sự thành công.

Trong thực tiễn ngành dệt may - da giày đã có những bài học lớn về một số doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền vào công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị nhằm chiêu dụ những khách hàng lớn, nhưng đã chuốc lấy thất bại khi không đủ năng lực điều hành thành công khâu tổ chức sản xuất.

Ngược lại, đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày âm thầm xây dựng những dây chuyền sản xuất hiệu quả, những nhà xưởng sản xuất được điều hành rất bài bản, chuyên nghiệp, biết ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại như ISO 9000, sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) hoặc 6 Sigma… do vậy, đã có năng suất cao và chất lượng ổn định.

Chính vì thế mà đến lần thứ 7 thực hiện việc bình chọn doanh nghiệp tiêu biểu của hai ngành dệt may - da giày, năm 2010, Ban tổ chức cuộc bình chọn đã bổ sung thêm tiêu chí bình chọn xưởng sản xuất tiêu biểu. Việc đưa thêm tiêu chí này sau từng ấy năm thực hiện các cuộc bình chọn là quá chậm. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng ban lãnh đạo hai ngành đã có sự nhìn nhận và đánh giá được thực chất cốt lõi của sự phát triển hai ngành này. Việc đề ra tiêu chí này sẽ mang lại một không khí thi đua cũng như tạo nên điều kiện để học hỏi giữa các xưởng sản xuất trong hai ngành.

Có thể nói rằng chính sự hoạt động hiệu quả của các xưởng sản xuất mới thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững cho hai ngành công nghiệp dệt may và da giày bên cạnh những giải pháp khác như chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển khâu thiết kế, chuyển đổi phương pháp kinh doanh. Cũng không quá cường điệu khi cho rằng chính các xưởng sản xuất mới thực sự là những cái nôi cho hai ngành dệt may, da giày.

Gọi là cái nôi vì hầu hết những giải pháp chính để nâng tầm hai ngành dệt may - da giày đều được thực hiện tại đó. Trước hết, các giải pháp quản lý và cải tiến về chất lượng chỉ có thể ứng dụng tại các xưởng sản xuất. Kế đến là những ứng dụng về công nghệ sản xuất, đổi mới thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất lao động cũng đều xuất phát từ yêu cầu của các xưởng.

Sau cùng, việc thực hiện các chính sách lao động chỉ có thể thành công khi có được sự ứng dụng đồng bộ các giải pháp trên, một mình chính sách lao động riêng lẻ sẽ không thể nào thành công nếu được đưa ra trong một nhà xưởng có chất lượng không ổn định và năng suất thấp.

Điểm qua những doanh nghiệp có tiếng trong ngành như Việt Tiến, Nhà Bè, Sài Gòn 3, Garmex Sài Gòn… chúng ta đều thấy rằng các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp đã có sự thành công từ thời kỳ gia công khi mà hiệu quả chủ yếu là từ việc tăng năng suất, kiểm soát chất lượng. Chính những thành công đó, đã tạo đà cho các doanh nghiệp thực thi những chiến lược lớn như chuyển đổi phương thức kinh doanh, chuyển đổi đẳng cấp sản phẩm và cả việc thâm nhập thị trường nội địa hoặc thị trường mới.

Tuy không quá cường điệu về vai trò của các xưởng sản xuất mà làm nhẹ đi những giải pháp khác nhưng chắc chắn một điều là phần lớn sự thành công của doanh nghiệp hai ngành này là dựa vào nền tảng của các xưởng sản xuất mạnh. “Hãy tiếp tục chăm sóc nhà xưởng của chúng ta tốt hơn nữa” sẽ là phương châm giúp cho doanh nghiệp trong hai ngành giữ vững được sự phát triển bền vững, đặc biệt là bước vào kỷ nguyên mới của ngành dệt may, da giày Việt Nam, kỷ nguyên mà sự thành đạt của doanh nghiệp dệt may, da giày không còn dựa vào nhân công rẻ nữa!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online