Doanh nghiệp xuất khẩu cao su đang phải đối mặt với khó khăn kép, khi giá cũng như thị trường mặt hàng này biến động mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong tháng 5/2010, xuất khẩu cao su của cả nước chỉ đạt 20.000 tấn, giảm 12.000 tấn so với tháng 4 (32.000 tấn).

Trong 5 tháng đầu năm, tổng lượng cao su xuất khẩu đạt 176.000 tấn, trị giá 479 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Giá cao su xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm đạt 2.750-2.800 USD/tấn, tăng gần 100% (1.250-1.300 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA nhận định, do sự hồi phục của nền sản xuất công nghiệp trên thế giới, trong khi nguồn cung giảm sút (do không phải mùa thu hoạch), cũng như tổng lượng cao su thiên nhiên có sự suy giảm đáng kể trong những tháng đầu năm, khiến giá cao su trên thị trường có mức tăng liên tục kể từ cuối năm 2009 đến nay.

Đây là lý do chính khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2010 đã vượt mức đỉnh của năm 2008 (thời điểm giá cao su sốt giá), lên mức 3.200 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, sau khi đạt mức giá đỉnh (tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2010), từ đầu tháng 5 đến nay, giá cao su xuất khẩu lại diễn biến theo chiều hướng xấu, với mức giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 2.600 USD/tấn. Nguyên nhân là do Trung Quốc (thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam) ngừng nhập khẩu cao su mậu biên từ Việt Nam, đồng thời cũng bán ra khoảng 200.000 tấn cao su dự trữ.

Thống kê của VRA cho thấy, trong tổng kim ngạch 1,2 tỷ USD xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2009, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm gần 800 triệu USD (64% tổng kim ngạch). Trong tổng số 543 DN xuất khẩu cao su của cả nước, hiện có 165 DN xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc theo phương thức biên mậu.

"Phương thức bán hàng tiểu ngạch được doanh nghiệp cho là có nhiều tiện lợi về thủ tục, cũng như cách thanh toán, giao nhận, thuế. Hơn nữa, với vị trí địa lý nằm sát với Trung Quốc, nên việc xuất khẩu cao su của Việt Nam vào thị trường này thuận lợi hơn các nước khác", bà Hoa lý giải và cho biết, trong năm 2009, nhu cầu cao su của nhiều thị trường sụt giảm, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc lại tăng lên đáng kể do chính sách kích cầu thị trường ô tô nội địa. Vì vậy, trong bối cảnh xuất khẩu hết sức khó khăn năm 2009, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan.

"Mặc dù xuất khẩu theo đường tiểu ngạch năm nào cũng có trục trặc nhất định do chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc, song hiện tại, Trung Quốc vẫn giữ vị thế là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam, với số lượng chiếm khoảng 65% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước, trong đó phương thức giao hàng qua biên giới chiếm tới 58,6% lượng cao su xuất khẩu", bà Hoa nói và cho biết, trên thực tế, nhiều DN đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay vì chỉ nhắm vào một thị trường chính, song hầu hết là các DN có tiềm lực.

Đối với các DN nhỏ, khả năng tự mở rộng thị trường là rất khó khăn. Vì vậy, Nhà nước cần có những cơ chế hỗ trợ, như đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, cung cấp thông tin kịp thời, giúp DN ứng phó tốt hơn trước những biến động về giá cả và thị trường.

Nhận định về diễn biến giá cao su thời gian tới, bà Hoa cho rằng, khả năng giá cao su tăng là rất khó, do mùa khai thác bắt đầu từ tháng 6, nguồn cung mủ trên thị trường dồi dào hơn, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường cũng đã “hạ nhiệt”.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam