Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy giá trị xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước ước đạt 6,1 tỷ USD, cao hơn 14,4% so với mức thực hiện của tháng 4.
 
Nhập khẩu đạt khoảng 6,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Như vậy, giá trị xuất và nhập khẩu tháng này đều đạt mức cao so với những tháng trước. Nhưng cũng do đó, giá trị nhập siêu tháng 5 chỉ còn ước cỡ 750 triệu USD, là mức thấp so với các tháng đầu năm. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được lượng hàng hóa tương đương 25,83 tỷ USD, cao hơn 12,6% so với cùng kỳ 2009. Và nhập khẩu 5 tháng ước đạt 31,2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), giá trị đơn hàng mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã nhận được và giao chuyển trong năm 2010 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng khoảng 320 triệu USD so với cả năm 2009. Riêng trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009 từ việc tăng đơn hàng tại các thị trường nhập khẩu truyền thống trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm gỗ năm nay đã tăng khoảng 3% so với năm 2009, cũng góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Một thuận lợi đáng kể cho ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ đó là nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ rừng trồng như thông, keo, bạch đàn... giá không tăng nhiều so với 2 năm trước. Riêng giá nguyên liệu gỗ từ rừng tự nhiên giá nhập khẩu đang tăng mà tỷ lệ sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với từ gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhanh nhạy tranh thủ thời điểm đầu năm giá nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên đang thấp đã mua vào tích trữ nên không bị ảnh hưởng nhiều về giá thành.

Trở lại nói về nguyên liệu, đối với nhiều mặt hàng, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và vì thế việc tăng giá có lợi một phần cho xuất khẩu thì lại làm thiệt hại 4 đến 5 lần cho giá nhập khẩu nguyên liệu. Như giá bông tăng 25% so với cùng kỳ nhưng giá xuất khẩu sản phẩm dệt may chỉ tăng 5 đến 10%, chất dẻo nguyên liệu tăng 43,7% nhưng giá sản phẩm nhựa xuất khẩu chỉ tăng 20%. Như vậy, việc tăng giá xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc tăng giá nhập khẩu. Đây có thể coi là một rào cản tự thân để Việt Nam phải còn tiếp tục nhập siêu trong thời gian không ngắn.

Rào cản cho nông sản: Từ chỗ Việt Nam gần như xuất siêu nông sản vào thị trường Mỹ nhờ lợi thế là quốc gia có thế mạnh trong nông nghiệp, nay khoảng cách đó thu hẹp dần và nông sản của Mỹ ngày một chảy sang Việt Nam nhiều hơn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 3 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Việt Nam nhập siêu nông sản từ Mỹ tới gần 78 triệu USD trong khi 5 năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu nông sản vào thị trường này. Điều đó dường như đã thay đổi khi thị trường nước này ngày càng có nhiều quy định, đòi hỏi nhà xuất khẩu phải vượt qua. Phải chăng đây là những rào cản qua chủ nghĩa bảo hộ thị trường này ngày một tăng?

Nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt Nam có thế mạnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ như gạo, tôm đang bị chững lại, thậm chí tụt giảm như tôm sú, mặt hàng chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ thì trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch bị giảm 1%, còn gạo giảm tới 78%.

Việt Nam và Mỹ hiện đều là thành viên của WTO và mới đây, Việt Nam đã khiếu nại Mỹ vi phạm trong việc áp dụng phương pháp “zeroing” (quy về bằng không) khi tính toán biên độ phá giá làm cơ sở chấm dứt vụ kiện chống bán phá giá tôm mà hiện nay Mỹ đang áp thuế với con tôm sú đông lạnh của Việt Nam.

Con cá tra hiện đang bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ nhưng hiện còn có nguy cơ khác, gây khó hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước. Theo đạo luật nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008)) thì Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ chuyển định nghĩa con cá tra của Việt Nam nằm trong danh sách catfish thì sẽ bị phía Mỹ kiểm tra chặt về vệ sinh an toàn thực phẩm toàn diện, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho tới phân phối.

Còn những mặt hàng nông sản Việt Nam có tăng trưởng ở thị trường Mỹ thời gian gần đây lại là những loại hàng có kim ngạch nhỏ, không đáng kể như cá ngừ đại dương kim ngạch cả năm chỉ 70 triệu USD, chè chỉ khoảng trên dưới 5 triệu USD mỗi năm.

Tiến sĩ Trịnh Minh Anh từng là thành viên của đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nay là Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, cho biết, nông sản trong nước hiện nay vào thị trường Mỹ gặp phải khá nhiều quy định, rào cản theo hướng bất lợi cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chỉ nói đơn giản như trái thanh long đã phải trải qua một quá trình kiểm tra, giám sát theo các tiêu chuẩn ngặt nghèo mới vào được thị trường Mỹ. Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Mỹ thúc đẩy quá trình cấp phép nhập khẩu rau quả tươi khác như vải, nhãn, chôm chôm nhưng dường như vẫn chỉ mới có thanh long.

Người Mỹ đã gắn thương mại hàng hóa với môi trường, coi như một “đạo luật” nhưng thực chất là rào cản phi quan thuế mới trong giao thương hàng hóa. Ví dụ, Mỹ là nước xuất khẩu gỗ cứng nguyên liệu đứng hàng đầu thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Khác nào người Mỹ bảo các doanh nghiệp Việt Nam nên nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, vốn rõ ràng và có các chứng chỉ minh bạch”.

Chỉ một ví dụ nhỏ trên đây, có thể nhìn nhận “Chừng nào Mỹ dành cho Việt Nam quy chế hưởng Hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì khi đó xuất khẩu nông sản vào Mỹ mới thuận lợi” – Tiến sỹ Trịnh Minh Anh nói.


Nguồn: Báo Công Thương Điện tử