Hạn chế 'quyền đòi hỏi'
22/07/2015 15Báo cáo đánh giá tác động của các FTA song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tháng 6/2015 nêu một “sự kiện” đáng quan ngại trong lĩnh vực FDI.
Để thực hiện Dự án Samsung Electronics CE Complex (SECC) tại TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam “đòi” những ưu đãi có tính biệt lệ: Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án; miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc tới khi các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)… Trước đó, Samsung cũng “đòi” nhiều ưu đãi đặc biệt cho Dự án SEVT2 tại Thái Nguyên. Thậm chí, Samsung còn muốn có cảng chuyên dụng tại sân bay quốc tế Nội Bài...
Các đòi hỏi của Samsung làm dấy lên những quan ngại trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, chuyên gia kinh kế. Nhiều ý kiến mong muốn cần hạn chế “quyền đòi hỏi” của các “ông lớn” FDI, bởi một khi ưu đãi ở mức độ cao được cấp cho một doanh nghiệp này, các doanh nghiệp khác sẽ có những yêu cầu tương tự, thậm chí đòi hỏi ưu đãi cao hơn.
Song, câu chuyện không chỉ xoay quanh những đòi hỏi phi lý của doanh nghiệp FDI, điều đáng quan ngại hơn là, khi các đòi hỏi đó được thỏa mãn, các doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng yếu thế hơn, thua trong cạnh tranh, bị gạt ra ngoài lề cuộc chơi, bởi những ưu đãi được hưởng thua xa doanh nghiệp FDI.
Vậy làm thế nào để tái lập thế cân bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt? Theo các nhà phân tích, có 2 giải pháp: Thứ nhất, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp Việt, nhưng chi phí lớn, gây tốn kém lớn cho ngân sách. Thứ hai, giảm ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, song khó thực thi bởi những ràng buộc của những FTA, cam kết hội nhập… Nhìn hướng nào cũng khó!
Mới đây, tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc diễn ra sáng 14/7/2015, có doanh nghiệp Hàn Quốc đặt vấn đề: 10 năm trước, để thu hút nhiều vốn FDI, Trung Quốc đã đưa ra các điều kiện rất thuận lợi như miễn thuế đầu tư, nguồn nhân lực phong phú, chi phí lao động thấp..., nay những điều kiện đó không còn nữa. Liệu 10 năm tới, Việt Nam có lặp lại điều tương tự? Câu trả lời là: Nhà đầu tư hãy yên tâm. Những dự án FDI luôn được nhà nước Việt Nam hỗ trợ.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt muốn được hỗ trợ, hưởng ưu đãi thì… hãy đợi đấy! Để chiến thắng trong cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt buộc phải… tự thân vận động!
Nguồn: Báo Công Thương