Chủ động nguyên liệu cho gỗ xuất khẩu
24/07/2015 12Với 80% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu (NK), các doanh nghiệp (DN) gỗ xuất khẩu (XK) đang đứng trước lo ngại sẽ không tận dụng tốt nhất những ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết. Chủ động nguồn nguyên liệu là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp XK gỗ bền vững.
Bất cập trong nguyên liệu gỗ XK
Mặc dù có những biến động về thị trường, song nhìn chung, hơn 10 năm trở lại đây, ngành gỗ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích. Hiện Việt Nam là nước XK gỗ lớn nhất Đông Nam Á và đồ gỗ là 1 trong 10 mặt hàng XK chủ lực của nước ta.
Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết một loạt các FTA quan trọng. Với những ưu đãi thuế quan lớn, các FTA này được nhận định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành gỗ. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi lớn này, Việt Nam đang “vướng” ở khâu nguyên liệu.
Đơn cử như khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế XK các sản phẩm gỗ sang thị trường này sẽ về 0%. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế XK ưu đãi này, DN phải chứng minh gỗ nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Hoặc để được hưởng mức thuế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN phải đáp ứng được những quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Cụ thể, sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên. DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công.
Ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết, hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu 70 - 80% nguồn nguyên liệu gỗ từ rất nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có chứng chỉ hợp pháp. Nếu không có giải pháp chủ động được nguồn nguyên liệu, DN sẽ lỡ rất nhiều ưu đãi từ các FTA.
Cánh đồng lớn- lối mở cho gỗ XK?
Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp chỉ rõ, đến năm 2020, sản lượng gỗ nguyên liệu trong nước đạt 14,5 triệu m3, đáp ứng 62% nhu cầu; đến năm 2030 đạt 24,5 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu. Để đáp ứng được mục tiêu này, mô hình cánh đồng lớn đang được đặt rất nhiều kỳ vọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn chia sẻ, cánh đồng lớn là mô hình được triển khai và thu được hiệu quả bước đầu trong sản xuất nông nghiệp nói chung và đang được khuyến khích triển khai trong lĩnh vực lâm nghiệp, bắt đầu từ một số địa phương là Quảng Trị, Quảng Ninh.
Với đặc điểm huy động các hộ nông dân giao đất, giao rừng cho DN, DN có trách nhiệm áp dụng công nghệ để sản xuất các khu rừng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, phù hợp với yêu cầu của các thị trường NK, đây được đánh giá là mô hình giúp DN chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu có chất lượng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Các DN nhận đất của bà con phải chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là những điều kiện về xây dựng nông thôn mới, trường học cho con em của bà con... Tuy nhiên, để làm được tất cả những việc này, DN không thể đủ vốn và cần sự hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, xây dựng cánh đồng lớn cần nguồn vốn lớn nên vai trò liên kết, bảo lãnh của nhà nước giữa DN và bà con nông dân nhằm sử dụng “sổ đỏ” để vay vốn ngân hàng cần được nâng cao”.
Mô hình cánh đồng lớn đã được áp dụng và tương đối thành công với lúa gạo khi DN - những người am hiểu nhất về nhu cầu của thị trường XK và có tiềm năng về tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu áp dụng thành công vào ngành lâm nghiệp, đây chính là đầu ra tốt nhất cho nguyên liệu gỗ. |
Nguồn: Báo Công Thương