Trong cuộc đua giành thị phần xuất khẩu gạo có hai "vận động viên" đang rất sung sức là Việt Nam và Thái Lan.

Một số nhà phân tích cho rằng, chính Thái Lan là nước đang cảm thấy sức cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới quyết liệt hơn bao giờ hết, đặc biệt khi họ đứng trước sự vươn lên mạnh mẽ từ Việt Nam. Chủ tịch danh dự Hiệp hội xuất khẩu lúa gạo Thái Lan Chukiat cũng phải thừa nhận nước này đang phải trực diện với "nguy cơ" bị Việt Nam chiếm lĩnh vì đã đánh mất nhiều thị trường vào tay "người láng giềng". Chính một thành viên trong Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan còn quả quyết, trong vòng 3-5 năm nữa, nếu giá gạo tiếp tục hưởng lợi từ chính sách hạ giá tiền đồng, Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Liệu có... mừng hụt?

Điều đó có thể không, khi thị trường gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang quanh quẩn ở những nước châu Á như Philipine, Malaysia, Singapore…còn gạo Thái thì tập trung khai thác mạnh mẽ hơn ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bùi Bá Bổng từng nói gạo Việt Nam vẫn thua Thái Lan trong khâu chế biến. Cùng là 1 loại gạo trắng, Việt Nam bán với giá 360USD/tấn, nhưng gạo Thái bán được 460 USD/tấn.

Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng hạt gạo Việt Nam không đồng nhất, mau xuống mầu, "vô danh" trên thị trường, hoặc chỉ dùng để đấu trộn. Còn gạo Thái được tiếng là ngon, có thương hiệu, bao bì nhãn mác cẩn thận nằm trên các kệ hàng siêu thị.

Giá rẻ là thế, rủi có một lúc nào đó bị kiện bán phá giá, người ta sẽ "bào chữa" cho gạo Việt Nam thế nào khi mà chẳng thể truy nguyên được nguồn gốc các loại gạo trong một bao là từ những cánh đồng nào, sản xuất ra sao. Còn gạo Thái, chi phí cho sản xuất chuyên canh hiện đại, cho thương hiệu và bảo hiểm được Chính phủ tính toán cặn kẽ và có kế hoạch cụ thể. Có thông tin còn cho rằng, Thái Lan vẫn "ém hàng" chưa bán ra số lượng lớn gạo tồn kho vì nước này vẫn muốn giữ giá ở mức cao. Và như thế, Thái Lan vẫn đang đứng vững ở vị trí nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cả về lượng và chất.

Khó cho thương hiệu gạo Việt

Trên thực tế, đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chỉ muốn "ăn xổi", có hợp đồng mới thì mua gom, giá càng rẻ càng lợi, chưa mấy người nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu, hoặc hợp tác với nông dân tổ chức vùng lúa chuyên canh. Với cách làm "bóc ngắn, cắn dài" như vậy, thì hạt gạo Việt có thương hiệu còn là một giấc mơ dài.

Để có thương hiệu, theo TS Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng phải tổ chức sản xuất tập trung và chuyên canh cao. Cần có các vùng nguyên liệu của từng tỉnh, người quản lý phải biết mỗi tỉnh sản xuất bao nhiêu giống, giống đó từ đâu mới cân đối được sản lượng, biết được chất lượng và kiểm soát được đầu ra.

Thực tế, đã có một vài công ty tổ chức được vùng lúa gạo nguyên liệu tập trung. Điển hình là vùng lúa Nhật Bản ở An Giang, Kiên Giang của liên doanh Angimex Agikitoku. Hay công ty ADC với vùng lúa sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt GAP ở Cai Lậy, Tiền Giang và Gạo Việt với vùng lúa ST5 ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Tuy nhiên, diện tích của các khu vực này còn quá hạn chế.

Thiếu nhân lực chuyên môn cao

Trong số 20,7 triệu lao động nông nghiệp Việt Nam trong độ tuổi lao động, gần 98% chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn. Trong khi đó, cùng với sự hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, ngành nông nghiệp ngày càng đòi hỏi người sản xuất, quản lý và kinh doanh có kiến thức chuyên môn, đã qua đào tạo trường lớp cộng với nông cơ giới hiện đại chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian đơn thuần như trước.

Tiến sĩ Nguyễn Thắng - Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý NN&PTNN còn cho biết, tỷ lệ lao động nông nghiệp có bằng cao đẳng hay đại học chỉ chiếm 0,22%; người có bằng sơ cấp chiếm 1,26% và bằng trung cấp là 0,87%. Cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo về nông, lâm nghiệp.

 

Nguồn: tgvn.com.vn