Việt Nam hướng tới năm APEC 2017
02/07/2015 19Bà Phạm Quỳnh Mai- Trưởng SOM APEC Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)- trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội thảo quốc tế “Năm APEC 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Xin bà cho biết, sau gần 20 năm gia nhập diễn đàn APEC, Việt Nam đã đạt được những kết quả gì về lợi ích kinh tế?
Diễn đàn này là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Trong thời gian qua, các thỏa thuận của APEC đã góp phần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối.
Từ khi Việt Nam gia nhập APEC tính đến nay đã được 17 năm, vai trò và vị thế của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt. Đây chính là nơi hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là đối tác của APEC.
Tham gia APEC, hàng hóa của Việt Nam sẽ thâm nhập vào những thị trường mạnh nhất, với mức thuế suất ngày càng giảm theo lộ trình tự do hóa thương mại của APEC. Hiện nay, 68% kim ngạch xuất khẩu và 83% kim ngạch nhập khẩu, 82% FDI của Việt Nam đến từ các nền kinh tế APEC.
APEC có tác động như thế nào tới vai trò của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt FTA?
Thực ra FTA và APEC có sự tác động hỗ trợ lẫn nhau. Chính các FTA lớn mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên trong APEC. Những vấn đề về thương mại và đầu tư thế hệ mới của APEC cũng chính là những vấn đề Việt Nam và các nước đàm phán tại các FTA. Như vậy, vô hình trung APEC là yếu tố mang tính bổ trợ cho các FTA thế hệ mới đang nở rộ thời gian gần đây. Theo đó, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác châu Á - Thái Bình Dương.
Được biết, năm 2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC, với vai trò là Trưởng quan chức cấp cao trong APEC, Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này?
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Ngoại giao lên kế hoạch chuẩn bị về cơ cấu tổ chức cũng như hậu cần cho APEC 2017. Ủy ban Quốc gia về APEC sẽ sớm được thành lập. Các lãnh đạo bộ và bộ, ngành liên quan sẽ tham gia vào Ủy ban này để chuẩn bị nội dung cho APEC 2017. Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện này đang diễn ra rất suôn sẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên APEC để tham vấn về ưu tiên của Việt Nam và làm sao khi lồng ghép các ưu tiên của Việt Nam với các ưu tiên chung của APEC sẽ nhận được sự đồng thuận chung.
Xin cảm ơn bà!
Kể từ khi trở thành thành viên của Diễn đàn APEC ngày 15/11/1998, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị cấp cao và các hoạt động APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 14 (tháng 9/2014), đề xuất và triển khai hơn 80 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực hợp tác. |
Nguồn: Báo Công Thương
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc