Việt Nam là một trong những nước có thành tích tăng trưởng rất ấn tượng tại khu vực, nhưng xuất khẩu lại dựa nhiều vào các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong thời gian tới, Việt Nam muốn hội nhập vững chắc hơn thì cần giảm bớt sự lệ thuộc này và chú trọng hơn đến phát triển các doanh nghiệp tư nhân địa phương. Đó là nhận xét của tác giả Harnit Kaur Kang thuộc nhóm Eurasia Review Group trong bài nghiên cứu về châu Á được giới thiệu dưới đây.

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến việc Việt Nam chuyển đổi trọng tâm đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là như nhiều nước đang phát triển, quá trình tự do hoá thương mại của Việt Nam đi cùng với sự thâm hụt thương mại lớn. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng, các ngành công nghiệp “còi cọc”, thiếu đa dạng hoá và các công ty không được sản xuất và cạnh tranh trong điều kiện thuận lợi nhất. Có phải Việt Nam đang theo đuổi mô hình phát triển tận dụng tài nguyên hay nước này thực sự đã được trao quyền hành động sau những cải tổ kinh tế của mình?

Có hai dấu hiệu chủ yếu cho sự phát triển nhảy vọt đối với nhiều nước. Thứ nhất là cải thiện các mối quan hệ với cường quốc có ảnh hưởng nhất trên thế giới, tức là Mỹ và đạt được thoả thuận thương mại song phương (BTA) với nước này. Điều này hỗ trợ đạt được yêu cầu thứ hai, đó là trở thành thành viên của WTO. Với việc tuân thủ các điều kiện của WTO, các nước giành được sự chấp thuận cho phép hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Được ca ngợi là câu chuyện thành công mới nhất ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã hành động theo trật tự như vậy.

Nhờ BTA với Mỹ được hoàn tất vào năm 2000, theo tính toán của WB, các mức thuế của Mỹ đánh vào hàng hoá Việt Nam giảm từ 40% xuống dưới 3%, giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt tới 800 triệu USD/năm. Đổi lại, Việt Nam hạ thấp các rào cản thương mại của mình và đưa ra những đảm bảo đối với FDI của Mỹ và những quyền lợi dành riêng cho các doanh nghiệp Mỹ, qua đó giành quyền thâm nhập vào Mỹ - quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, một trong những khía cạnh bất ngờ nhất của BTA là một kế hoạch, theo đó trong 9 năm đầu sẽ cho phép các ngân hàng của Mỹ thành lập liên doanh với các đối tác Việt Nam và quá trình này kéo theo cả những bất cập.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 38%, tương đương 17,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tiếp tục giảm 1,6%, tương đương 14,1 tỷ USD trong quý đầu của tài khoá 2010, cao hơn 1 tỷ USD so với dự đoán của Chính phủ Việt Nam. Mức thâm hụt thương mại 14,1 tỷ USD hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt được cho là do sự tăng mạnh giá hàng hoá trên thị trường thế giới. Kể từ đầu năm 2010 đến nay, các công ty vốn FDI chiếm 53% xuất khẩu của Việt Nam, trong khi các công ty địa phương chiếm 49%. Trái ngược với năm 2009, các công ty địa phương đóng góp giá trị xuất khẩu lớn hơn ở mức 53%, trong khi các công ty vốn FDI chiếm 47% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc mở rộng phần đóng góp của các công ty vốn FDI trong xuất khẩu của Việt Nam, trên thực tế thâm hụt thương mại đã tăng lên.

Hiện Việt Nam đang đối mặt với thách thức trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới và sự chuyển đổi theo hướng các doanh nghiệp tư nhân tự do. Việc gia tăng vai trò và số lượng của các doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp sở hữu nhà nước sẽ làm lạc hướng khỏi con đường phát triển thuận lợi nhất. Thay vào đó, Chính phủ Việt Nam lúc này nên đưa ra những biện pháp thúc đẩy tư nhân hoá không phải theo hướng thành lập các công ty vốn FDI mà là phát triển các doanh nghiệp địa phương.

Phần nhiều trong sự sôi động bề ngoài đối với Việt Nam không phải là mức tăng trưởng 6,5 - 7% GDP mà bởi vì nước này là thị trường giàu tài nguyên và tương đối chưa bị khai thác ở Châu Á. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam bao gồm cà phê, gạo, cao su, giầy da, thiết bị điện tử và đồ gỗ, trong khi phần lớn nông sản xuất khẩu chưa qua chế biến. Sự đa dạng hoá nền kinh tế đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước sau lưng các công ty tư nhân địa phương hơn là sự hợp tác đa quốc gia từ bên ngoài.

Cần đặc biệt chú ý đến một nguồn tài nguyên chủ yếu là dầu thô, hiện chiếm tới 10% xuất khẩu của Việt Nam. Không nên để thâm hụt thương mại của Việt Nam đi quá xa trong tương lai gần, nhưng trong khi chờ đợi, Việt Nam nên tự trao quyền hành động thông qua việc thúc đẩy tư nhân hoá bên trong đối với các công ty địa phương trước khi tràn ngập các doanh nghiệp vốn FDI.

Nguồn: tgvn.com.vn