Theo nhiều doanh nghiệp, “xuất khẩu theo đường chính thức còn nhiều khó khăn và rào cản”.
Tận dụng tốt cơ hội từ những thị trường láng giềng của Việt Nam, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải xuất khẩu hàng hóa theo đường chính thức. Những câu chuyện của doanh nghiệp làm ăn với thị trường Campuchia tại buổi gặp gỡ tìm cơ hội giao thương trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng tỉnh Long An tổ chức đã cho thấy điều này.

Xuất khẩu tiểu ngạch: lợi bất cập hại

Công ty TNHH Tân Quang Minh (Bidrico) bắt đầu xuất khẩu sang Campuchia từ 10 năm trước. Những lô hàng đầu tiên trong năm năm đầu tiên chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Đến năm 2005, Bidrico đã quyết tâm thay đổi cách làm ăn cũ và thu được nhiều thành công ở thị trường này. Việc xuất khẩu chính ngạch đã giúp Bidrico chủ động hơn khi quảng bá sản phẩm, làm tiếp thị và lên kế hoạch lâu dài cho thị trường Campuchia.

“Riêng năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, lượng xuất khẩu của công ty sang thị trường Campuchia có giảm chút ít. Nhưng từ năm 2005 đến nay, từ khi chuyển qua xuất khẩu chính ngạch, doanh số của Bidrico ở thị trường Campuchia tăng trung bình hàng năm từ 5-10%”, ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico, nói.

Riêng thị trường Campuchia chiếm 8% trong tổng doanh số xuất khẩu của công ty mỗi năm. Giảm bớt rủi ro cộng với cơ hội mở rộng thị trường là những điều mà ông Hiến đúc kết được, từ khi thay đổi cách làm ở thị trường Campuchia. Thông qua con đường chính ngạch, hàng hóa của Bidrico đã thâm nhập được vào các siêu thị lớn của Campuchia.

Câu chuyện của Bidrico là trường hợp thành công khá hiếm hoi, khi các doanh nghiệp thay đổi thói quen làm ăn với các quốc gia láng giềng của Việt Nam. Việc xuất khẩu tiểu ngạch được nhiều chuyên gia đánh giá là làm ăn “không có tổ chức”.

Xuất khẩu tiểu ngạch không những gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau mà đây còn là “mảnh đất màu mỡ” để hàng nhái, hàng giả phát triển, gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước.

Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì thói quen xuất khẩu tiểu ngạch, vì, theo họ, “làm vậy cho khỏe...!”. Doanh nghiệp bán hàng cho thương nhân tại cửa khẩu, nhận tiền và không quan tâm đến hàng hóa của mình đi đâu về đâu. Dĩ nhiên cách làm này thuận lợi cho doanh nghiệp, thậm chí thu nhiều lợi nhuận hơn doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Nhưng xét về toàn cục, nền ngoại thương của đất nước sẽ bị thiệt hại.

Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch mang đến những lợi ích lâu dài. Đơn giản, sản phẩm xuất khẩu theo đường chính ngạch được kiểm tra chất lượng rõ ràng, nhà nhập khẩu yên tâm hơn, quyền lợi của người tiêu dùng ở quốc gia nhập khẩu được đảm bảo, góp phần nâng giá trị hàng Việt Nam ở thị trường nhập khẩu.

Những sản phẩm chính ngạch được lưu hành tự do ở thị trường nhập khẩu theo luật pháp mà quốc gia đó quy định. Trong khi đó, những sản phẩm tiểu ngạch không rõ nguồn gốc, dù mang thương hiệu của Việt Nam, nhưng vẫn bị kiểm tra, bắt bớ, thậm chí cơ quan của nước sở tại có thể tịch thu lô hàng và phạt tù chủ hàng.

Điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch không lường trước được. Vấn đề này sẽ xảy ra khi số lượng hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch gia tăng. Khả năng mở rộng quy mô thị trường, gia tăng lượng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch là điều ngoài tầm của doanh nghiệp.

Thông qua con đường chính ngạch, Nhà nước có thể nắm được kim ngạch xuất khẩu và tình hình giao thương biên mậu giữa hai quốc gia, chứ hiện nay phần lớn những con số thống kê về xuất khẩu tiểu ngạch chỉ là số phỏng đoán. Vì vậy mà những chính sách phát triển thương mại biên mậu của Nhà nước ban hành cũng không mấy hiệu quả.

Xuất khẩu chính ngạch: cần chính sách tốt hơn


Quan hệ thương mại biên giới giữa Việt Nam với Campuchia trong thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể. Trao đổi thương mại hai chiều tăng mạnh, đạt mức tăng trưởng trung bình trên 30% mỗi năm.

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới đạt trên 1,4 tỉ đô la Mỹ, ba tháng đầu năm 2010 đạt 432,47 triệu đô la Mỹ, tăng trên 127% so với cùng kỳ năm 2009. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, kim ngạch thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ đạt và vượt mức 2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Lợi ích của việc xuất khẩu chính ngạch đã rõ ràng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, “xuất khẩu theo đường chính thức còn nhiều khó khăn và rào cản”.

Ở thị trường Campuchia, hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu đến tận kho của nhà nhập khẩu, chi phí đã đội lên rất cao. Chi phí này bao gồm thuế nhập khẩu của Camphuchia, những chi phí không tên, “lệ làng” đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đơn cử, thuế suất các mặt hàng nước giải khát của Việt Nam xuất khẩu vào Campuchia hiện đang ở mức 7%, sau khi hạch toán thêm những chi phí nói trên, tổng chi phí lên đến 26% giá trị lô hàng, ông Hiến cho biết.

Chính sách thuế bất cập cũng làm nản lòng các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Bôn, Giám đốc Công ty Quạt Bifan, mặt hàng quạt máy của công ty xuất khẩu sang Campuchia bị hải quan nước này đánh thuế dựa vào trọng lượng quạt. Trung bình một cây quạt nặng 4 ki lô gam, với mức thuế 4 đô la Mỹ/ki lô gam, xuất khẩu theo đường chính ngạch, công ty phải chịu thuế là 16 đô la Mỹ cho mỗi cây quạt. Trong khi đó, nếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thuế một cây quạt chỉ ở mức 2 đô la Mỹ.

Một khó khăn khác là khâu thanh toán. Doanh nghiệp làm biên mậu luôn gặp rủi ro về thanh toán và để khắc phục điểm yếu này, nhiều doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ chia sẻ, “cần lựa chọn đối tác đúng”. Năng lực tài chính, hệ thống phân phối đã được thiết lập cũng như kinh nghiệm thương trường của đối tác phải được đánh giá kỹ càng.

Công ty cũng đánh giá đối tác qua khả năng vận chuyển, cách thức và thời gian phân phối hàng, nhân sự, thời gian hoạt động và quy mô của đối tác. Khi doanh nghiệp chọn được nhà nhập khẩu đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, thông qua những chuyến khảo sát thực tế, việc giải quyết khâu thanh toán sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho đến nay mới chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức triển khai hình thức thanh toán biên mậu bằng đồng bản tệ tại khu vực biên giới hai nước thông qua thỏa thuận hợp tác thanh toán với Ngân hàng ACLEDA Campuchia vào tháng 2-2006 nhưng nhìn chung vẫn chưa hiệu quả.

Để hỗ trợ thanh toán biên mậu giữa hai nước, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện xem xét cho phép doanh nghiệp Việt Nam được nộp ngoại tệ tiền mặt từ xuất khẩu sang Campuchia vào tài khoản. Các ngân hàng thương mại của Việt Nam cần hợp tác, mở rộng hoạt động sang thị trường Campuchia, có thể thông qua hình thức liên doanh hoặc thành lập chi nhánh. Đặc biệt là sự hiện diện của các ngân hàng thương mại Việt Nam tại các địa phương biên giới, điều này sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động thanh toán biên mậu giữa doanh nghiệp hai nước.

Hơn 90% hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch


Hàng hóa được các doanh nghiệp tập trung trao đổi chủ yếu tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Tây Ninh, An Giang và Kiên Giang. Theo số liệu báo cáo của sở công thương các tỉnh có biên giới với Campuchia, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của riêng ba tỉnh này chiếm đến 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của các tỉnh có chung biên giới với Campuchia. Theo Bộ Công Thương, làm ăn giao thương biên giới chiếm đến 90% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia mỗi năm.

Nguồn: InfoTV