(TBKTSG) - Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akira Amari, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tỏ ra khá lo lắng sau những bất lợi vừa diễn ra ở Hạ viện Mỹ về gói dự luật liên quan tới TPP.

Cú sốc

Cuối tuần trước, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ B.Obama đích thân tới tòa nhà quốc hội để trực tiếp vận động các nghị sĩ ủng hộ gói dự luật TPA (quyền đàm phán nhanh hay quyền xúc tiến thương mại).

“Bỏ phiếu chống lại gói dự luật cũng là bỏ phiếu chống lại cá nhân tôi”, Tổng thống nói rất tha thiết tại cuộc họp của phe Dân chủ khi họ xem xét một dự luật trong gói TPA (gọi là dự luật hỗ trợ điều chỉnh thương mại TAA - giúp người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi các hiệp định tự do).

Ông Obama đã phải chứng kiến một cú sốc ngay lập tức. Theo tường thuật của Sydney Morning Herald, chỉ có 40 thành viên Dân chủ đứng về phía ông. TAA đã bị Hạ viện bác bỏ sau đó với tỷ lệ 302 phiếu chống và 126 phiếu thuận.

Có thể hiểu, TAA không được thông qua thì cũng không có TPA vì cả hai nằm chung trong một gói. TPA trao quyền cho Tổng thống Mỹ đệ trình lên Quốc hội các thỏa thuận thương mại mà Quốc hội chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ, chứ không có quyền sửa đổi.

Các thành viên TPP coi TPA là điều kiện tiên quyết để đưa ra những nhượng bộ cuối cùng, bởi không ai muốn bị “hớ” khi chấp thuận hy sinh những vấn đề nhạy cảm nhất của mình, để rồi sau đó Quốc hội Mỹ lại có thể thay đổi.

Trước đó, cuộc họp bộ trưởng các nước TPP dự kiến diễn ra cuối tháng 5 đã bị hủy bỏ vì một vài nước muốn chờ đợi số phận của TPA. “Từ bây giờ sẽ rất khó để tiến hành các cuộc họp cấp bộ trưởng trong thời gian sớm” ông Amari thẳng thắn thừa nhận với các phóng viên cuối tuần trước sau phiên bỏ phiếu ở Hạ viện Mỹ (theo hãng Nikkei của Nhật). “Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sát những nỗ lực tại Hạ viện Mỹ”, ông nói.

Thất bại trên là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Obama, và dư chấn của nó cũng làm rúng động Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ở cách xa một nửa trái đất.

Ông Abe đã đặt mục tiêu phục hồi nền kinh tế Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình và TPP là một phần quan trọng để đạt mục tiêu đó.

Về lý thuyết, gói dự luật TPA vẫn còn cơ hội. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện định bỏ phiếu lại với TAA vào thứ 3 vừa qua, nhưng sau đó quyết định hoãn đến tháng 7 để Tổng thống Obama có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ của mình.

Theo The New York Times, có rất ít dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong quan điểm của các nghị sĩ. “Chúng ta cần nhóm họp và đưa ra một chính sách thương mại đòi hỏi các công ty Mỹ đầu tư vào đất nước này hơn là ở các nước trên thế giới”, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, nói trên kênh CBS.

Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản bình luận rằng, thất bại vừa qua cho thấy sự yếu kém của ông Obama trong việc thuyết phục phe Dân chủ. “Cảm giác không chắc chắn lan tỏa trước khi tiến hành phiên bỏ phiếu thứ hai”, báo này viết.

Yếu tố Trung Quốc

Ông Michael J. Green, cựu cố vấn về châu Á của Tổng thống G.W. Bush, bình luận trên The New York Times rằng, nếu Tổng thống không có được TPA, sẽ là thảm họa cho chính sách châu Á của ông. “Chính quyền bị coi như “vịt què” vào thời điểm Trung Quốc đang chứng tỏ sức mạnh cơ bắp của họ”.

Ông Green và các nhà phân tích khác cảnh báo, nếu TPP thất bại, nhiều thành viên có nguy cơ ngưng quá trình cải cách kinh tế, cắt giảm thuế quan, theo như tiêu chuẩn đề ra khi đàm phán với Hoa Kỳ. Động thái này có thể khiến các nước chuyển hướng sang các tổ chức kinh tế, hay thỏa thuận thương mại khác không bao gồm Hoa Kỳ, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà Trung Quốc vừa tạo ra.

“Ở trong nước, chúng tôi có xu hướng nhìn thương mại qua lăng kính chính trị theo cách của người chiến thắng và kẻ thua cuộc”, ông Jon Huntsman, người từng là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Obama nói.

“Sự thất bại của TPP sẽ tạo ra một vùng trống ảnh hưởng mà những người khác, chủ yếu là Trung Quốc, sẽ lấp đầy”, ông nói trên The New York Times.

Nhưng cũng một số quan điểm cho rằng, chính quyền Mỹ đang sử dụng Trung Quốc để đe dọa các nhà lập pháp và phóng đại sự cạnh tranh giữa hai nước. “Tôi không tin là có “ông kẹ” Trung Quốc”, Jared Bernstein, cựu cố vấn kinh tế cho Phó tổng thống Joseph R. Biden Jr., nhận định.

Trung Quốc không là thành viên trong TPP. Các quan chức Mỹ thường coi thỏa thuận này là nỗ lực để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả là, nhiều quan chức ở Bắc Kinh cũng nghi ngờ TPP là công cụ của Mỹ ở châu Á được thiết kế để kiềm chế Trung Quốc.

Cảm giác này ngày một gia tăng và Trung Quốc đã đưa ra các sáng kiến riêng của mình để chứng tỏ vai trò lãnh đạo ở châu Á, trong đó có việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, con đường tơ lụa và khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Shen Guobing, một giáo sư tại Viện Kinh tế Thế giới tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết TPP và các sáng kiến mới của Trung Quốc không đối đầu nhau. “Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương không thể cạnh tranh với Mỹ ngay bây giờ,” ông nói. “Vì vậy, thật khó để cho rằng sự thất bại của TPP sẽ giúp Trung Quốc giành sự tin tưởng nhiều hơn cho các sáng kiến của mình. Các nước Thái Bình Dương biết rõ hệ thống của hai quốc gia lớn về cơ bản là khác nhau”.

Nguồn: TBKTSG