Năm 2015 được coi là năm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp được ký kết. Khi Việt Nam tham gia và thực hiện các FTA mới này, không ít cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là DN dệt may, da giày. Với bề dày kinh nghiệm và với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 39 tỷ USD/năm, tưởng chừng các DN dệt may, da giày đã đủ sức căng buồm, vượt sóng, song trên thực tế, các DN này đang khá chật vật để duy trì tăng trưởng và tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài 1: Sức ép cạnh tranh

Từ năm 2015 trở đi, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới khi các FTA được thực hiện. Đáng chú ý, một số FTA mới có mức độ tự do hóa cao hơn như TPP, EU... sắp được ký kết sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, giúp DN dệt may, da giày có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi xâm nhập một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU... Tuy nhiên, làm thế nào để các DN trong nước tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức đến từ các đại gia nước ngoài là bài toán không dễ tìm lời giải.

Không dễ nắm bắt cơ hội

Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ đem lại cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhất là thị trường Mỹ và thị trường EU. Hiện nay, thuế suất nhập khẩu bình quân áp dụng đối với hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ là 17 đến 18 và EU là 10 đến 12 . Nếu thực hiện các FTA này, các mức thuế nêu trên sẽ giảm dần về 0 theo lộ trình. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, bắt buộc các sản phẩm dệt may phải đáp ứng về quy tắc xuất xứ (QTXX). Chẳng hạn, QTXX hàng dệt may trong TPP dựa trên nền tảng từ sợi trở đi (các khâu sản xuất sợi, vải và may đều phải diễn ra trong các nước thuộc TPP thì sản phẩm may mặc cuối cùng mới được hưởng ưu đãi thuế quan); còn QTXX trong EU dựa trên nền tảng từ vải trở đi. Nếu các DN may không chủ động được nguồn vải - sợi tại Việt Nam hoặc trong nội khối TPP và EVFTA thì chẳng những khó tận dụng cơ hội mà còn phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Cụ thể, khách hàng có thể chuyển dịch đơn hàng sang những DN chủ động được từ khâu may đến nguồn vải - sợi, nhất là những DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư theo chuỗi. Khi đó, DN trong nước sẽ ở thế bị động, khó đòi tăng giá, trong khi giá đầu vào vải - sợi lại có xu hướng tăng. Như vậy, các DN trong nước không những không được giảm thuế, mà còn bị ép giảm giá gia công, khiến DN bị giảm lãi, thậm chí lỗ và khó có thể giữ được khách hàng, thị trường.

Đề cập tới vấn đề nêu trên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Tiến (Đồng Nai) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, tham gia các FTA, DN có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, ký hợp đồng với nhiều đối tác, nhất là mức thuế xuất nhập khẩu giảm, giúp các DN tăng cả sản lượng hàng bán và giá, giúp người lao động có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các DN trong nước và DN FDI sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Mặc dù tổng doanh thu của công ty năm vừa qua tăng trưởng hơn 10, thu nhập bình quân người lao động đạt 7,2 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại công ty mới chỉ dừng ở mức gia công là chính. Bên cạnh việc bị khách hàng chốt về giá dẫn tới giá gia công giảm, công ty còn đối diện với khó khăn khác khi 60 đến 70 nguyên phụ liệu (NPL) phải nhập khẩu khiến cho giá trị gia tăng trên sản phẩm rất thấp - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hoàng khẳng định.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung (DN chuyên sản xuất da giày) cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu hằng năm của công ty đều tăng trưởng khá (năm 2014 đạt hơn 1.000 tỷ đồng), nhưng khó khăn nhất của công ty hiện nay là về nhân công. Tiếp đến, 80 đến 90 NPL, công ty đều phải nhập khẩu. Nguồn NPL bị động như vậy, rất dễ bị ảnh hưởng khi đối tác nước ngoài đột ngột dừng cung cấp hàng. Lúc đó hợp đồng đã ký, rủi ro chắc chắn DN lãnh đủ - ông Trung bộc bạch.

Đến nay, phần lớn DN dệt may Việt Nam đã và đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn NPL từ nước ngoài như Công ty may mặc Bình Dương nhập khẩu 75 đến 80 (trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc 50 đến 60), Công ty may 10 nhập khẩu 70 đến 80... Điều này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang thiếu nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, do đó năng lực sản xuất của ngành bị hạn chế. Tương tự, với ngành da giày, khâu sản xuất, công nghiệp hỗ trợ nói chung và NPL cũng là vấn đề nan giải. Hiện đã có một số DN trong nước làm được công nghiệp hỗ trợ nhưng đầu ra không ổn định. Phần lớn DN giày dép Việt Nam chủ yếu gia công, mà đã gia công thì NPL chủ yếu bị đối tác nước ngoài chỉ định phải mua...

Trong khi các DN trong nước đang bị động và phụ thuộc chủ yếu vào các đơn đặt hàng, nguồn NPL của các đối tác nước ngoài thì vài năm gần đây, các DN FDI đã ồ ạt đầu tư theo chuỗi vào Việt Nam. Thậm chí, họ tìm mọi cách sang Việt Nam thông qua các hình thức như đầu tư 100 vốn nước ngoài, liên doanh, liên kết, tận dụng mọi lợi thế mà Việt Nam không làm được để đón đầu các FTA. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có gần 7.000 DN dệt may, trong đó có khoảng 1.600 DN FDI, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của các DN FDI này chiếm tới 70 năng lực xuất khẩu toàn ngành (trước năm 2000, các DN này chỉ chiếm dưới 20 tỷ trọng xuất khẩu). Không chỉ áp đảo về tỷ trọng xuất khẩu mà phần lớn các DN FDI có sẵn thị trường. Nếu trước đây họ không có cơ sở tại Việt Nam, chủ yếu đặt các DN trong nước làm gia công thì nay họ đầu tư vào Việt Nam, xây dựng các cơ sở từ cung cấp NPL đến sản xuất nhằm tận dụng các cơ hội do FTA mang lại, khiến các DN trong nước bị sụt giảm thị phần, muốn phát triển bắt buộc phải đi tìm những hợp đồng, đối tác mới. Ngoài ra, các DN FDI chủ yếu hoạt động khép kín, theo chuỗi nên các DN trong nước muốn mua hàng cũng hết sức khó khăn.

Lép vế do năng lực hạn chế

Dệt may, da giày luôn là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước với tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức cao. Thế nhưng, thực tế đáng buồn là đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của hai ngành hàng này những năm gần đây lại chủ yếu là các DN FDI. DN trong nước đang có xu hướng bị các DN FDI lấn át. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Anh Nguyễn Đình Hải, công nhân may, Công ty cổ phần may Đồng Tiến (Đồng Nai) cho biết: Mỗi tổ sản xuất có 34 người, một ngày có thể sản xuất được 80 đến 90 sản phẩm (đối với loại áo khó, đòi hỏi kỹ thuật cao), còn những loại áo thông thường, kỹ thuật đơn giản có thể sản xuất từ 1.400 đến hơn 2.000 sản phẩm tùy từng chủng loại. Thế nhưng, các DN FDI rất mạnh về vốn, công nghệ và quản trị nhân lực. Cùng số nhân lực như vậy họ có thể sản xuất 120 đến 150 sản phẩm áo khó, từ 2.000 đến 3.000 sản phẩm áo thông thường/ngày. Thậm chí, những DN lớn, làm ăn tốt, họ có thể sản xuất từ 3.000 đến 5.000 tấn sản phẩm/tháng (cao gấp nhiều lần so với DN trong nước). Đó là sự chênh lệch về năng suất rất khó khỏa lấp, bởi mỗi một lao động của DN FDI có năng lực sản xuất gấp 3 đến 4 lần so với lao động của các DN trong nước. Chung tâm trạng, anh Hoàng Kim Hùng, cán bộ Công ty TNHH MTV may mặc Bình Dương thừa nhận, do các trang thiết bị, công nghệ lạc hậu của các DN trong nước, cho nên chất lượng sản phẩm thường không cao, khó đáp ứng được các đơn hàng có giá trị, chất lượng cao. Chính vì vậy, từ trước đến nay, phần lớn DN trong nước đều lựa chọn làm hàng gia công là chủ yếu. Mặc dù giá gia công thấp nhưng bù lại, tạo việc làm ổn định cho người lao động, DN ít phải đầu tư và tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Giám đốc nhân sự - hành chính, Công ty TNHH MTV may mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh khẳng định, hầu hết các DN dệt may của Việt Nam đều có từ lâu, công nghệ đã lạc hậu. Việc tăng năng suất lao động phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là con người và công nghệ. Thế nhưng, tiềm năng, nội lực của các DN trong nước lại rất yếu, không có vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dẫn tới năng suất thấp và không có khả năng làm những đơn hàng chất lượng cao, mang lại lợi nhuận lớn. Do không có vốn tích lũy và tái đầu tư, cho nên sức cạnh tranh của DN trong nước ngày càng thất thế đối với các DN FDI. Mặt khác, các nguồn NPL của ngành dệt may Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu đến 80 khiến tỷ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, do đó khó có thể cạnh tranh với các DN FDI. Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Trình cho biết thêm, các DN FDI rất mạnh về vốn, công nghệ, nhân lực... cho nên họ sẵn sàng thu hút người lao động. Sự chuyển dịch sản xuất và lao động thời gian gần đây khiến cho các DN trong nước vốn đã khó, nay càng khó khăn hơn khi phải vừa chú trọng đầu tư sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh lại phải vừa bảo đảm tiền lương hợp lý, tránh chảy lao động có tay nghề sang các DN FDI.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung cho rằng, hiện tại DN trong nước đang bị lép vế so với các DN FDI về các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, để có mặt bằng sản xuất thì DN trong nước phải mất tiền thuê đất với mức giá cao, trong khi các DN FDI lại được ưu đãi với giá thuê đất giảm, trả một lần cho toàn dự án. Tiếp đến, ở nước ngoài họ có các chính sách khuyến khích đầu tư rõ ràng, chẳng hạn, DN muốn thực hiện dự án sẽ được Chính phủ hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, có thể cho vay tối đa là bao nhiêu tiền, lãi suất rất ưu đãi, thậm chí họ còn cam kết bù lỗ cho hai đến ba năm, tùy từng dự án... Trong khi đó, DN trong nước phải tự bươn chải, vay vốn với lãi suất cao, chưa kể những rủi ro khác luôn rình rập. Hay như, ngay tại sân nhà, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương đã xé rào tạo ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập DN... nhưng các DN trong nước lại không được hưởng ưu đãi đó. Thậm chí, không ít DN còn phải nộp ứng trước tiền thuế.

Với ngành da giày, DN phần lớn đều làm hàng gia công. Khi DN muốn hưởng lợi từ việc tham gia TPP thì tất cả những NPL đều phải sản xuất trong nước hoặc trong khối. Do vậy, DN FDI có tiềm lực mạnh mẽ sẽ đầu tư những nhà máy lớn tại Việt Nam để hưởng lợi thế TPP và đầu tư từ khâu sản xuất đến cả khâu cung cấp NPL. Vì thế, TPP sẽ đặt ra nhiều thách thức cho DN da giày trong nước, bởi chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào NPL nhập khẩu, trong khi trình độ quản lý và năng lực rất hạn chế.

 Nguồn: Thanh Niên